Chạy đâu cho thoát

16/01/2007 00:00

Cách nay ba tháng, qua giới thiệu của một người bạn tôi, một cô người Mỹ gửi e-mail bảo nhân dịp năm mới này quyết định đến Việt Nam một lần cho biết và nhờ giúp đỡ. Báo trước như vậy là hơi sớm, nhưng với người lần đầu đến một nơi lạ thì cũng có thể hiểu được sự nôn nao ấy, nhất là thân gái dặm trường. Trước tiên, email cho biết chỉ xin nghỉ phép được mười ngày, kèm nhờ vả làm sao trong thời gian ấy thu xếp đi được từ Nam ra Bắc, ghé thăm những nơi thế này thế này. Toàn danh lam thắng cảnh theo như sách vở.

       Tôi thì vốn chẳng thích những nơi mà ai cũng đến. Như thể hoa thơm nhiều người đến ngửi mất hết mùi. Dẫu vậy, cũng cặm cụi lập chương trình đáp ứng yêu cầu của vị khách lạ. Càng xa lạ càng cần phải nhiệt tình tiếp thị. Nơi ở lâu nhất thì được hai đêm. Đi đủ bốn di sản thế giới. May thay Việt Nam đất dài, chỉ một hướng đi dọc là xem như trọn chuyến, không như những nước có chiều ngang, nhiều múi giờ, qua lại như đan rổ phức tạp hơn nhiều. Tiếp theo là những e-mail bàn bạc giá cả, đặt tour du lịch, vé máy bay…, cứ thế trao đổi thong thả qua lại cũng mất gần ba tháng thật. Với điều quan tâm cuối cùng của cô ấy là, Việt Nam có an toàn không?
Hơi ngạc nhiên nhưng tôi cũng gửi thư trả lời ngay lập tức. An toàn. Đương nhiên là an toàn. Việt Nam vừa tổ chức xong APEC. Vào khoảng mười giờ, một sáng trong veo trước đợt mưa đá hãi hùng, chính mắt tôi đang ngồi ăn phở góc đường Yên Phụ nhìn ra còn trông thấy chiếc xe ông Bush đen mướt dài thượt lướt qua. “Êm như lướt ván nhỉ” cô bán chè chén bảo. Cũng có xe hú còi đi trước, nhưng nói chung là yên ả. Không có vấn đề gì. Để cô khách yên tâm, tôi gửi qua e-mail đường link cảnh cặp tình nhân Brad Pitt và Agelina Jolie vừa mới lẳng lặng đến Sài Gòn, thuê xe máy chạy lòng vòng. Xong, lại gửi tiếp thêm đường link cảnh Bill Clinton đi dạo bờ hồ, tóc trắng như cước, khuôn mặt thảnh thơi.
      Nhưng, đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 8.12, vị giáo sư toán học hàng đầu thế giới đi bộ qua đường bị xe máy đâm vào, hôn mê. Ngày 9.12 một giáo sư viện sĩ Việt Nam qua đời cũng vì tai nạn xe máy. Những tin đau buồn ấy không thể nào gửi link được. Nhưng có lẽ cô bạn ấy từng nghe nhiều Tây balô khuyến cáo về tình hình giao thông nên mới nêu câu hỏi Việt Nam có an toàn không trong buổi thanh bình như thế. Đôi khi, những câu chuyện ấy được truyền miệng như là nét đặc sắc của du lịch Việt Nam; dù chẳng phải tốn kém đầu tư gì nhiều, nhưng rõ ràng là vẫn đầy chất phiêu lưu cảm giác mạnh, so với Disneyland hay những khu nuôi động vật hoang dã… mà các nước lân cận phải dày công xây dựng để thu hút du khách.
      Thật thế, có đi xe máy ở Hà Nội mới biết mỗi lần ra đường là một cuộc phiêu lưu. Phải tập trung, vì luôn có một chiếc xe hơi sẵn sàng dừng đột ngột giữa đường, kính hạ xuống, tay thò ra ngoắc mua báo vỉa hè. Luôn có một chiếc xe máy sẵn sàng đánh võng qua đầu xe bạn, vào trong để rồi lại lượn ra ngoài. Luôn có những xe phóng chạy trối chết như thể chủ nhân bị đau bụng đột xuất không kìm được, nhưng nửa phút sau ở đèn xanh đèn đỏ lại gặp cái mặt câng câng ấy. Nhưng nếu tất cả chỉ là vấn đề giao thông thì có lẽ không khó giải quyết đến thế. Tôi than với anh bạn, rằng chật vật lắm mới có những cú tiếp thị hình ảnh Việt Nam hay như thế của APEC, của Brad hay Bill mà lại bị những chuyện vặt vãnh làm hỏng mất. Anh bảo, không hề vặt vãnh. Có xây dựng đường sá đẹp đẽ, thay hoa mỗi ngày, mỗi ngã tư thường trực dăm anh công an thì cũng vẫn thế thôi, đầy dẫy tai ương. Vì thứ khiến cả nước lâm nạn lại không thể dùng tiền mà đổi thay trong một thời gian ngắn được. Lối sống ấy nay đã thành văn hóa mất rồi.


*


      Không biết thứ văn hóa sống ấy sinh ra từ đâu, bởi ngày xưa nào phải thế này. Ít nhất là sách vở văn chương chữ nghĩa vẫn bảo đảm như thế. Thuở hàn vi còn sống được lịch lãm, thì lẽ nào nay không thay đổi được? Chỉ cần quay ngược về lại với nét thanh lịch Tràng An xưa là xong. Mà cũng có nhiều người tin như thế, nên ở Hà Nội bao giờ cũng có chuyện hay để trau dồi nét thanh lịch ấy. Chỉ trong một thời gian ngắn người ta có thể chọn xem từ Cây sáo thần, Trường học tình yêu của Mozart, đến Nhà búp bê của Ipsen hay Bà tỉ phú về thăm quê của Durrenmatt. Có cả nhạc Jazz châu Âu, truyện tranh Đan Mạch... 
      Và mới nhất là đợt giới thiệu phim Hàn Quốc.
      Đêm khai mạc, một phim hình sự hài. Viên cảnh sát bị ung thư sắp mất nằm trên giường bệnh, nén đau trêu con gái. Tình cảm bố con vẫn thường như thế. Đám thanh niên ngồi xem vỗ đùi cười hô hố như thể anh cảnh sát mới là bố của họ, trong khi cô con gái trong phim nước mắt chảy dài.
      Đêm sau, rút kinh nghiệm tôi tìm chỗ ngồi xa đám thanh niên. Lần này, Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân của Kim Ki-Duk. Phim này nhiều người đã xem đi xem lại đĩa hình nhưng vẫn đến vì màn ảnh rộng khác hẳn. Nhưng cách người xem không khác. Người đàn bà ngồi bên tôi hí hoáy nhắn tin điện thoại, chốc chốc ho sù sụ không hề che miệng, rõ là một mẹ yêu của con trẻ ở nhà: “Alô, con ăn gì chưa? Mẹ á? Mẹ đang xem phim. Sao? Mẹ á? Mẹ đang xem phim…” 
      Cứ thế. Đến đêm thứ tư, tôi tình nguyện xin được bao vây bởi những người già. Phía sau vẫn còn một cặp trẻ trung. Trông đàng hoàng đấy, nhưng tôi cũng dáo dác tìm nơi khác. Vô vọng. Nơi tôi ngồi có tuổi trung bình cao nhất, an toàn lắm rồi, những hàng ghế khác còn khả nghi hơn. Phim có tên Điệu nhảy thơ ngây. Một vũ sư sống kham khổ. “Phòng bừa như chuồng lợn”. Cô gái phía sau bình phẩm. “Ngáy như trâu”, anh bạn cô nhận xét nhân vật nữ đang ngủ. Hai bạn trẻ sáng láng đối đáp từng câu một với nhân vật, mà lạ thay, toàn so sánh với trâu, ngựa, lợn, gà... Bác lớn tuổi quay lại bảo, “Chúng tôi hiểu rồi anh chị không cần giải thích”. Im lặng được một lát, chàng trai quyết định dịch phụ đề. “I love you”. “Tôi yêu em”, chàng khán giả dịch. “Anh yêu em”, giọng thuyết minh. Cứ thế, cứ tiếng Anh câu nào đơn giản là chàng dịch, cố chạy trước thuyết minh cho bằng được.
      Lần đầu tiên tôi đi xem bốn buổi chiếu phim liên tiếp. Nghe lời anh bạn, tôi đã quyết sống chỉ để lo lấy phần mình. Nhưng thất bại đủ cả bốn lần.
      Bạn tôi nói đúng, có lẽ không làm gì được với thứ văn hóa này nữa, khi nó đang nằm trong tay những người vừa mới qua tuổi hai mươi. Nửa thế kỷ tới ta vẫn phải sống cùng những thứ ấy. Chạy đâu cho thoát.

Phan Triều Hải

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chạy đâu cho thoát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO