“Cháu toàn thời gian” – Xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc giữa làn sóng thất nghiệp
Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhiều bạn trẻ tại Trung Quốc đang lựa chọn ở nhà để chăm sóc ông bà, trở thành “cháu toàn thời gian” – một khái niệm mới phản ánh sự chuyển dịch trong lối sống, giá trị gia đình và cả những bất cập của thị trường lao động.

Từ thất nghiệp đến “cháu toàn thời gian”
Trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, một xu hướng đang thu hút sự chú ý trên mạng xã hội: giới trẻ thất nghiệp trở thành “cháu toàn thời gian” – người ở nhà chăm sóc và đồng hành cùng ông bà và được nhận lương. Hình thức này được xem là đáp ứng cả nhu cầu công việc cho người trẻ và nhu cầu được chăm sóc, bầu bạn của người cao tuổi.
Không giống với khái niệm “con toàn thời gian” – thường là người trẻ sống cùng cha mẹ để chăm sóc và hỗ trợ họ khi còn khoẻ mạnh – những người “cháu toàn thời gian” chủ yếu chăm lo cho ông bà lớn tuổi, đôi khi đã yếu hoặc mắc bệnh nền. Vai trò này đòi hỏi sự tận tâm, kiên nhẫn và kỹ năng quản lý đời sống hàng ngày – từ việc đưa ông bà đi khám bệnh, theo dõi lịch uống thuốc đến nấu nướng, dọn dẹp và hỗ trợ tinh thần.

Một cô gái 26 tuổi đã chia sẻ hành trình trở thành “cháu toàn thời gian” sau khi trượt kỳ thi cao học và kỳ thi công chức lên mạng xã hội và nhận được sự chia sẻ của nhiều bạn trẻ thất nghiệp giống mình. Không tìm được việc làm, cô chấp nhận lời mời từ ông ngoại để trở về quê chăm sóc ông.
“Nếu cháu chăm sóc ông tốt, giúp ông sống thêm vài năm, điều đó quý hơn mọi thứ ngoài kia,” ông nói. Mỗi tháng, cô nhận từ ông 7.000 tệ (tương đương khoảng 1.000 USD) – khoản hỗ trợ được trích từ lương hưu của ông.
Áp lực tìm việc và sự thay đổi vai trò trong gia đình
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đô thị Trung Quốc trong độ tuổi 16–24 vào tháng 4 năm nay đã lên tới 15,8%, tức cứ sáu người trẻ thì có một người không có việc làm. Trong khi thị trường lao động ngày càng khắt khe, nhiều bạn trẻ lựa chọn quay về nhà để “tạm trú” trong vai trò chăm sóc ông bà – một sự đảo chiều đáng chú ý của quá trình trưởng thành.
Trái với hình ảnh “thế hệ được nuông chiều” thường thấy, nhiều người trẻ nhanh chóng thích nghi với công việc nội trợ, chăm sóc sức khỏe người già, thậm chí đảm nhận vai trò quản lý trong gia đình. Một số người còn chủ động tổ chức các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng cho ông bà, như đi uống trà sữa, đi ăn nhà hàng, khuyến khích lối sống tích cực.

Không ít bạn trẻ cho biết, trở thành “cháu toàn thời gian” không chỉ giúp họ vượt qua giai đoạn thất nghiệp mà còn mở ra một góc nhìn mới về giá trị sống và gia đình. “Làm việc ngoài kia, tôi chỉ nhận được những lời hứa hão. Nhưng khi ở cạnh bà, tôi chỉ cần nói buổi tối thèm ăn gì, sáng hôm sau bà đã ra chợ mua”, một người trẻ chia sẻ.
Xiaolin, 24 tuổi, hiện là “cháu toàn thời gian” tâm sự: “Một đời người có khoảng 30.000 ngày. Với ông bà tôi, mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ít đi. Tôi có thể kiếm tiền, thăng tiến sau này, nhưng thời gian bên ông bà, khi mất rồi là không thể quay lại”.
Trải nghiệm chăm sóc ông bà đã giúp nhiều người trẻ nhìn lại giá trị của sự gắn bó gia đình, tìm kiếm nền tảng bền vững cho sự trưởng thành thực sự.
Dù vậy, trào lưu “cháu toàn thời gian” cũng gây ra những tranh luận trái chiều. Nhiều người ủng hộ cho rằng đây là giải pháp nhân văn, tiết kiệm chi phí thuê người chăm sóc và giúp gắn kết gia đình. “Thuê người ngoài thì vừa tốn kém, vừa không bằng tình thân. Con cháu chăm ông bà vẫn là tốt nhất”, một người dùng mạng xã hội bình luận.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện điều đó. Một người khác phản biện: “Chỉ gia đình nào có ông bà được lương hưu cao mới đủ chi trả. Ông tôi là nông dân, lương hưu chỉ 100 tệ/tháng, sao đủ nuôi cháu?”
Những tranh luận này đặt ra câu hỏi: Liệu “cháu toàn thời gian” có thể trở thành một xu hướng phổ biến trong xã hội, hay chỉ là lựa chọn mang tính tạm thời của một bộ phận nhỏ người trẻ trong hoàn cảnh nhất định?