Quốc tế

Châu Âu trải thảm đỏ đón các nhà nghiên cứu hàng đầu muốn rời khỏi các trường đại học Mỹ

Quỳnh Vũ 06/05/2025 17:08

Mới đây, một loạt nước châu Âu đã tung ra các chính sách thu hút giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu muốn rời khỏi các trường đại học và tổ chức nghiên cứu khoa học của Mỹ, trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục áp đặt những chính sách bất lợi đối với giới học thuật tinh hoa của nước này.

Pháp: Cung cấp “nơi an toàn cho khoa học”

Đại học Aix-Marseille của Pháp là một trong những trường đại học đầu tiên ở châu Âu phản ứng với lệnh đóng băng, cắt giảm tài trợ và các lệnh hành pháp được chính quyền Donald Trump ban hành đối với các trường đại học hàng đầu trên khắp Hoa Kỳ.

Trường này đề xuất cung cấp 3 năm tài trợ cho các nhà nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, thông qua thông qua một chương trình, do một cựu Tổng thống Pháp đề xuất có tên là “Nơi an toàn cho khoa học” - là một hình thức "tị nạn khoa học".

safeplaceforscience-carrousel.jpeg
Đại học Aix-Marseille cho biết họ đã nhận được 298 đơn đăng ký của các nhà nghiên cứu Mỹ cho chương trình "Nơi an toàn cho khoa học". Ảnh: AMU

Mới đây, Đại học Aix-Marseille cho biết họ đã nhận được 298 đơn đăng ký trong một tháng, trong đó 242 đơn được coi là đủ điều kiện. Các ứng viên đến từ các trường đại học và tổ chức danh giá hàng đầu như Đại học Johns Hopkins, Đại học Columbia, Yale, Stanford và cả Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trường cho biết trong một tuyên bố.

Theo thông tin từ Aix-Marseille, hầu hết các ứng viên đều là những nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực từ nhân văn đến khoa học sự sống, môi trường. Chỉ hơn một nửa số ứng viên đủ điều kiện (135 người) là người Mỹ, trong khi 45 người là công dân có hai quốc tịch. Hơn một chục công dân Pháp ở Mỹ cũng đã nộp đơn, cũng như công dân châu Âu, công dân Ấn Độ và Brazil. Nhà trường cho biết quá trình tuyển chọn sẽ bắt đầu trong những ngày tới, với mục đích cho phép các nhà nghiên cứu bắt đầu đến Pháp làm việc từ đầu tháng 6.

Chương trình thu hút nhân tài và tài trợ khoa học của trường Đại học Aix-Marseille được hình thành sau phong trào Stand Up for Science (Đứng vì khoa học), được thiết kế để chào đón các nhà khoa học, nhà nghiên cứu gặp khó khăn ở Hoa Kỳ do các biện pháp và sắc lệnh hành pháp của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. "Đây là vấn đề bảo vệ những đồng nghiệp đang bị kìm hãm, sa thải hoặc bị cắt giảm kinh phí. Vì sự đoàn kết, nhưng cũng vì những gì đang xảy ra ở đó đang tác động đến hoạt động nghiên cứu của chính chúng tôi", ông Eric Berton, Hiệu trưởng Đại học Aix-Marseille cho biết.

z6573538008574_e4733de87d4b3ac20a7212cbc420ff27.jpg
Các nhà khoa học Pháp ở Toulouse xuống đường hồi đầu tháng 4 trong phong trào "Đứng lên vì khoa học" nhằm ủng hộ các học giả và nhà khoa học Mỹ. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Pháp François Hollande, người hiện là nghị sĩ Đảng Xã hội, gần đây cùng với ông Eric Berton kêu gọi Chính phủ Pháp trao cho các nhà nghiên cứu đang gặp khó khăn trên khắp thế giới, đặc biệt là từ Mỹ, quy chế “tị nạn khoa học”.

Cựu Tổng thống, nghị sĩ Hollande đã hiện thực hóa lời kêu gọi của mình bằng hành động lập pháp. Trong một dự luật được đệ trình lên Quốc hội Pháp, ông đề xuất các biện pháp bảo vệ bổ sung đối với các nhà nghiên cứu phải đối mặt với các chính sách bất lợi về quyền tự do nghiên cứu. Đây sẽ là một đặc quyền dành riêng cho những người xin tị nạn không đáp ứng các điều kiện để được hưởng quy chế tị nạn thông thường nhưng có thể chứng minh rằng họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng về tự do học thuật.

Ông cho rằng, các biện pháp này sẽ giúp xử lý quy chế của họ nhanh hơn và hiệu quả hơn; đồng thời giúp bảo đảm rằng, các nhà khoa học có thể tiếp tục các nghiên cứu vĩ đại, phục vụ nhân loại của họ.

Ông Hollande mô tả đây là một “nghĩa vụ” của nước Pháp, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực về khủng hoảng khí hậu. “Nếu công việc nghiên cứu của các nhà khoa học bị gián đoạn, bị cản trở hoặc gặp khó khăn, thì đó sẽ là một bước thụt lùi đối với nhân loại”, ông nói với đài truyền hình France Inter.

Ông mô tả dự luật – cần được được Quốc hội Pháp thông qua – là một phản ứng trước một thời khắc lịch sử. “Đây là một hành vi mang tính biểu tượng để cho thấy rằng Pháp là một quốc gia cởi mở vào thời điểm Hoa Kỳ đang ngày càng hướng tới các chính sách phi tự do”, ông nói. “Đó là sứ mệnh của nước Pháp từ Kỷ nguyên Khai sáng, thời điểm mà nước Pháp đã chào đón các nhà nghiên cứu gặp khó khăn từ khắp nơi trên thế giới”.

Cho đến nay, hai trường đại học khác của Pháp - trường kỹ thuật CentraleSupélec và Đại học Khoa học và Nhân văn Paris (PSL) cũng đã thông báo sẽ tham gia sáng kiến ​​"Nơi an toàn cho khoa học" bằng cách cung cấp tài trợ và không gian nghiên cứu tại các tổ chức của họ cho các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Đại học Sorbonne cũng nói với báo chí Pháp rằng họ đang cân nhắc khả năng "tuyển dụng trực tiếp hoặc trực tuyến" các nhà khoa học hàng đầu muốn làm việc với họ.

Na Uy: Ra mắt quỹ bảo vệ quyền tự do học thuật

Theo bước chân của nhiều tổ chức và trường đại học trên khắp châu Âu, cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng Nghiên cứu Na Uy hôm thứ Tư đã ra mắt quỹ trị giá 100 triệu kroner (250 tỷ VNĐ) để giúp việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu từ các quốc gia khác.

z6573534040948_fc7666f9f11f811fba31da32ace7cef9.jpg
Các trường đại học châu Âu trải thảm đỏ đón các nhà khoa học Mỹ. Ảnh: Le Monde

Sáng kiến ​​này nhằm trải thảm đỏ đối với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, nhưng đã được mở rộng và đẩy nhanh sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố những đợt cắt giảm ngân sách đáng kể cho các trường đại học hàng đầu nước Mỹ vào tháng trước.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Giáo dục đại học của quốc gia Bắc Âu, Sigrun Aasland, cho biết: "Điều quan trọng đối với Na Uy là phải chủ động trong tình hình đòi hỏi cao về tự do học thuật. Chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt cho các nhà nghiên cứu xuất sắc trong những lĩnh vực quan trọng, và chúng tôi muốn làm điều đó càng nhanh càng tốt".

Quỹ tài trợ này dự kiến ​​sẽ được kéo dài trong nhiều năm, với nguồn ngân sách 100 triệu kroner được dành riêng cho năm 2026.

Không hề chậm chân trong cuộc đua thu hút tinh hoa từ Mỹ, Trường đại học Vrije Universiteit Brussel của Bỉ cũng đã mở ra các vị trí nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ dành cho giới trí thức Mỹ. Trong khi đó, Hà Lan cho biết họ có kế hoạch thành lập một quỹ để thu hút các nhà nghiên cứu đến nước này.

Theo Le Monde, The Guardian
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Châu Âu trải thảm đỏ đón các nhà nghiên cứu hàng đầu muốn rời khỏi các trường đại học Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO