Châu Âu sẽ khôi phục niềm tin cho giới trẻ?

- Thứ Năm, 19/11/2020, 07:03 - Chia sẻ
Trong bối cảnh giới trẻ đang cảm thấy ngày càng vô vọng khi phải vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo châu Âu được kỳ vọng sát cánh để cùng tiến hành các cải cách lớn, thể hiện tình đoàn kết trong nhiều chính sách quan trọng, cũng như phát triển tầm nhìn rõ ràng về vị trí của châu Âu trên thế giới.

Chung sức để cùng cải cách

Theo PS, hầu như không có người châu Âu thế hệ trước nào lưu giữ ký ức về các đường biên giới bên trong châu Âu. Thay vì sưu tập những con tem quốc gia khi còn nhỏ, nhiều người thu thập những đồng euro đầu tiên với các biểu tượng khác nhau của nhiều thủ đô châu Âu. Có thể nói, đó là thế hệ đã được định hình kỹ lưỡng bởi một châu Âu thống nhất.

Nguồn: ITN

Nhưng nhiều người trẻ tuổi ở châu Âu ngày nay lại tỏ ra thất vọng xen lẫn giận dữ vì Liên minh châu Âu (EU) không giữ được lời hứa của mình. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên cao đáng báo động, 25 - 40% ở các quốc gia như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, thậm chí cả Thụy Điển, là lý do đủ để nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của EU. Hơn nữa, mặc dù đang sống trong kỷ nguyên hòa bình và tương đối thịnh vượng, thế hệ hiện nay lớn lên giữa muôn vàn khủng hoảng, từ tài chính, di cư, khí hậu, bây giờ là cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi virus Corona cướp đi sinh mạng đầu tiên ở Bergamo, Italy, vào cuối tháng 2.2020, mọi người vẫn ca hát tưng bừng tại các bữa tiệc được tổ chức ở khu nghỉ mát và trượt tuyết Ischgl của Áo hay Lễ hội Carnival ở Cologne. Nhưng khi đại dịch lây lan nhanh chóng khắp châu Âu, rõ ràng là các quốc gia riêng lẻ không thể tự mình khuất phục loại virus này hoặc khôi phục kinh tế. Thay vào đó, việc vượt qua hàng loạt khủng hoảng của châu Âu và cảm giác vô vọng ngày càng tăng của giới trẻ sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải chung sức để bắt đầu những cải cách dũng cảm.

Thực tế, các chính phủ châu Âu đáng được khen ngợi vì đã nhanh chóng huy động được số tiền khổng lồ nhằm hỗ trợ khắc phục tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19. Và việc EU dự kiến phát hành nợ chung để tài trợ cho quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (khoảng 877 tỷ USD) của khối đã thể hiện một bước tiến lớn.

Nhưng nhiều cải cách khác phải đi kèm với những nỗ lực này. Nếu cả khối cùng gánh nợ chung, thì EU cũng cần có khả năng tăng doanh thu của riêng mình để trả nợ, tránh trường hợp khoản đầu tư hôm nay phải trả giá bằng các chương trình của EU trong tương lai. Lộ trình thương lượng gần đây cho các nguồn lực mới là khởi đầu tốt, mang lại hy vọng về tiến bộ thực sự. Nó bao gồm thuế đối với nhựa sử dụng một lần, hệ thống giao dịch phát thải của EU được cập nhật và thuế kỹ thuật số để tạo thêm doanh thu. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu cần bảo đảm rằng, các quốc gia thành viên tuân thủ cam kết của mình.

Theo các nhà quan sát, một vấn đề cũng quan trọng không kém là các nhà hoạch định chính sách nên liên kết quỹ phục hồi của EU với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu, cũng như bảo đảm đầu tư vào các lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản không bị bỏ quên trong hấp tấp để có thể trỗi dậy sau suy thoái do đại dịch gây ra. Xét cho cùng, những khoản đầu tư như vậy rất quan trọng nhằm bảo đảm việc làm và sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

Đoàn kết và có tầm nhìn táo bạo

Nhiều nhà phân tích nhận định, EU đang thiếu những trọng tâm dài hạn cần thiết. Chẳng hạn đối với trí tuệ nhân tạo, trong khi Mỹ đầu tư khoảng 36 tỷ USD phát triển AI giai đoạn 2018 - 2019, Trung Quốc bỏ ra khoảng 25 tỷ USD, thì tổng đầu tư tư nhân của EU chỉ 4 tỷ USD. Nếu muốn chuẩn bị cho tương lai, châu Âu cần những khoản đầu tư táo bạo, có mục tiêu vào năng lượng xanh, số hóa và nhiều lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến khác.

Châu Âu cũng phải thể hiện đoàn kết trong một loạt vấn đề quan trọng khác. Chắc chắn, sự thất vọng mà nhiều người Italy cảm thấy đối với EU trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 giờ đã mờ đi, đặc biệt kể từ khi đạt được thỏa thuận về gói tái thiết, với khẳng định của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, “từ trước đến nay, điều tốt cho châu Âu là tốt cho chúng ta”. Nước Áo cũng không khá hơn khi các nền kinh tế châu Âu khác bị ảnh hưởng, nhưng ngược lại, các công ty và công dân nước này được hưởng lợi từ viện trợ kinh tế khắp châu Âu.

Nhưng sự đoàn kết của châu Âu phải vượt ra ngoài hỗ trợ kinh tế và nợ chung, đồng thời còn dẫn dắt hành động của châu lục đối với các vấn đề như di cư và biến đổi khí hậu. Với thảm họa môi trường, chiến tranh và nghèo đói ở khu vực lân cận của EU có khả năng khiến các thách thức về tị nạn và di cư của khối trở nên nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới, các bước tiến nhỏ hoặc ngắn hạn tỏ ra khó hiệu quả. Thực vậy, hiệp ước về di cư và tị nạn mới được đề xuất gần đây của Ủy ban châu Âu đã phải bao gồm nhiều đề xuất giúp bảo vệ các biên giới bên ngoài của EU. Nhưng có ý kiến cho rằng, châu Âu cần một hệ thống tích hợp để ngăn chặn thiệt hại bi thảm về sinh mạng của không ít người di cư đang khao khát tiếp cận bờ biển châu Âu, đồng thời thiết lập khuôn khổ dài hạn với năng lực và trách nhiệm rõ ràng.

Cuối cùng, theo nhiều người, châu Âu phải phát triển một tầm nhìn rõ ràng về vị trí của mình trên thế giới. Cựu Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt từng phát biểu, bất cứ ai có vấn đề về tầm nhìn đều nên hỏi ý kiến bác sĩ. Nhưng nếu châu Âu không có ý tưởng chắc chắn về vai trò toàn cầu của mình, thì lục địa già sẽ bị bỏ lại trước sự trỗi dậy của các cường quốc. Đây không chỉ là câu hỏi học thuật. Châu Âu đang có nguy cơ sụp đổ, cả về kinh tế và chính trị, bởi sự cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, châu Âu sở hữu mô hình hấp dẫn có thể phân biệt rõ ràng với nền kinh tế thị trường tự do hoàn toàn của Mỹ và nhà nước giám sát kỹ thuật số của Trung Quốc, vì thế nên quảng bá mô hình của mình với phần còn lại của thế giới.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của châu Âu chẳng kém gì sự kiện bức tường Berlin sụp đổ trước đây. Ở một số điểm nào đó, thế hệ hiện nay sẽ phải trả lời câu hỏi của chính con em mình về cách họ giải quyết vấn đề trên. Nếu thế hệ hiện nay đưa ra các quyết định đúng đắn ngay bây giờ, có thể nói đại dịch chính là thời điểm mà châu Âu khám phá lại sự táo bạo và năng động của mình, đồng thời mang đến cho giới trẻ châu lục niềm hy vọng mới.

Ngọc Minh