Châu Âu công bố lộ trình phát triển thị trường tự nguyện cho tín chỉ thiên nhiên
Ủy ban châu Âu (EC) vừa chính thức khởi động sáng kiến “Lộ trình phát triển Tín chỉ Thiên nhiên”, với mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân vào các hoạt động phục hồi đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái. Đây được xem là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy tài chính sinh thái, góp phần giải quyết khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu trong khu vực.
Tín chỉ thiên nhiên là gì?
Tín chỉ thiên nhiên (Nature Credits) là hình thức đầu tư vào các hành động có lợi cho môi trường, như phục hồi hệ sinh thái, cải tạo đất ngập nước hoặc mở rộng rừng. Đổi lại, nhà đầu tư được hưởng nhiều lợi ích như cải thiện chất lượng môi trường sống, giảm thiểu rủi ro, nâng cao uy tín và tăng khả năng được xã hội chấp nhận trong các dự án khác. Các hoạt động này sẽ được định giá và chứng nhận bởi các tổ chức độc lập, bảo đảm tính minh bạch và tạo lòng tin trên thị trường.
Trong bối cảnh khoảng 75% doanh nghiệp trong khu vực đồng euro phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên, tín chỉ thiên nhiên đang nổi lên như một công cụ đổi mới, vừa thay đổi cách đánh giá giá trị môi trường, vừa mở ra cơ hội đầu tư bền vững. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi: Hỗ trợ bảo tồn môi trường sống, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho nông dân, ngư dân, người làm nghề lâm nghiệp và các cộng đồng địa phương.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng ta cần đưa thiên nhiên vào bảng cân đối kế toán, và đó chính là điều tín dụng thiên nhiên đang làm. Nếu được thiết kế đúng, đây sẽ là công cụ thị trường hiệu quả để thúc đẩy đầu tư và đổi mới từ khu vực tư nhân.”
Sáng kiến này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu lớn hơn của EU về khả năng cạnh tranh và phục hồi, như đã nêu trong La bàn Cạnh tranh EU và Thỏa thuận Công nghiệp Sạch.
Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gây thiệt hại về chi phí bảo hiểm, chuỗi cung ứng và hoạt động nông nghiệp, việc đầu tư vào bảo tồn thiên nhiên được xem là bước đi thiết yếu để bảo vệ lợi nhuận và phát triển bền vững.
Hướng đi mới cho tài chính sinh thái
Sáng kiến này nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư vào lĩnh vực sinh thái bằng cách huy động nguồn vốn tư nhân bổ sung mang tính tự nguyện, song song với các khoản tài chính công đang được phân bổ cho đa dạng sinh học.
Lộ trình tín chỉ thiên nhiên hướng tới thu hẹp khoảng cách đầu tư trong lĩnh vực sinh thái bằng cách huy động vốn tư nhân mang tính tự nguyện, song song với nguồn tài chính công hiện có. Trọng tâm là thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng, hệ thống chứng nhận đáng tin cậy và quy trình quản trị chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng “tẩy xanh” (greenwashing), đồng thời giảm bớt gánh nặng hành chính cho người tham gia.
EC đã cam kết dành 10% ngân sách giai đoạn 2026–2027 cho bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời tăng gấp đôi chi tiêu quốc tế lên mức 7 tỷ euro. Tuy nhiên, với nhu cầu lên đến 65 tỷ euro mỗi năm cho đầu tư vào lĩnh vực này, sự kết hợp giữa vốn công và vốn tư là điều thiết yếu để đạt được hiệu quả trên quy mô lớn và trong thời gian ngắn.
Để bảo đảm thị trường tín chỉ thiên nhiên được phát triển toàn diện, minh bạch và đáng tin cậy, Ủy ban đã phát động lời kêu gọi đóng góp ý kiến công khai kéo dài đến ngày 30/9/2025. Đồng thời, một nhóm chuyên gia mới sẽ được thành lập để thúc đẩy mô hình phát triển từ cơ sở, với sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp, nhà khoa học, chính phủ và xã hội dân sự. Các tổ chức và cá nhân có thể nộp đơn tham gia nhóm chuyên gia này trong giai đoạn đầu, với hạn cuối là ngày 10/9/2025.
Triển khai thí điểm và hợp tác quốc tế
Hiện EU đang tiến hành các dự án thí điểm tín chỉ thiên nhiên tại Pháp, Estonia và Peru. Cùng lúc đó, khối cũng đang mở rộng hợp tác với các tổ chức toàn cầu như Liên minh Tín dụng Đa dạng Sinh học, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ban Cố vấn Quốc tế về Tín dụng Đa dạng Sinh học.
Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện mục tiêu trong khuôn khổ Quy định Phục hồi Thiên nhiên của EU, mà còn đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu của Khung Đa dạng Sinh học Côn Minh - Montreal.