Châu Âu công bố kế hoạch dừng mua khí đốt Nga
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch dần loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga từ nay đến cuối năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể vấp phải nhiều khó khăn từ phía các quốc gia thành viên.

Trong buổi họp báo công bố kế hoạch chuẩn bị dừng mua khí đốt của Nga, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu Dan Jorgensen nêu rõ, với động thái này, EU muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng là sẽ không để vấn đề năng lượng tiếp tục bị khai thác như một công cụ gây sức ép, và cũng không muốn các quốc gia thành viên rơi vào tình thế bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Kế hoạch cụ thể
Theo đó, kế hoạch của EC gồm 2 bước. Đầu tiên, khối sẽ chấm dứt các hợp đồng mới và các hợp đồng giao ngay ngắn hạn với các nhà cung cấp của Nga từ cuối năm nay, kỳ vọng sẽ giảm khoảng 1/3 lượng khí nhập từ Nga. Trong giai đoạn tiếp theo, EU hướng tới mục tiêu dừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí qua đường ống, trước cuối năm 2027.

Khí đốt từ Nga, mới chỉ cách đây 3 năm, đã từng chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU. Hiện tại, theo dữ liệu của EU, Nga đang cung cấp 17,5% lượng khí đốt cho khối. Còn theo số liệu của Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEEFA), trong năm 2024, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU sau Na Uy, chiếm 18% lượng khí nhập khẩu qua đường ống và 20% lượng LNG. Lượng LNG nhập khẩu từ Nga cũng chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 45% thị phần LNG nhập khẩu vào EU.

Kế hoạch “đoạn tuyệt” khí đốt Nga hiện phải chờ sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và phần lớn nước thành viên. Brussels đã trì hoãn công bố kế hoạch này để theo dõi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi, phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, việc dừng nhập khẩu khí đốt của Nga đi ngược lại lợi ích của EU và làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Khó khăn trước mắt
Lộ trình mới đề ra kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa 27 quốc gia thành viên để ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và vật liệu hạt nhân từ Nga, tuy nhiên đã lập tức vấp phải phản ứng từ Hungary.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto lập luận rằng kế hoạch của Ủy ban châu Âu sẽ làm gia tăng gánh nặng không chỉ đối với Hungary mà còn đối với các quốc gia khác ở châu Âu, làm suy giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực và đẩy giá năng lượng tăng cao. Ngoại trưởng Hungary khẳng định các nước thành viên có quyền quyết định về nguồn cung năng lượng của riêng mình. Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng lựa chọn nguồn cung năng lượng của một số nước trong khối bị hạn chế do hạ tầng đường ống khí đốt hiện có gây ra.

Thực tế, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, EU cũng từng đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga năm 2027. Đến nay, khối đã áp đặt lệnh trừng phạt với than đá và dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển từ Nga. Tuy nhiên, khí đốt Nga chưa bị trừng phạt do sự phản đối của Slovakia và Hungary. Hai nước này vẫn đang nhận khí đốt từ Nga qua đường ống, vì việc chuyển sang nhà cung cấp khác khiến giá năng lượng tăng cao.
Bên cạnh trở ngại khi tồn tại sự khác biệt trong quan điểm giữa các quốc gia thành viên, EU cũng phải đối mặt với không ít thách thức để thực hiện mục tiêu này. Một trong những vấn đề then chốt là đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, khi các kế hoạch tăng nhập LNG từ Mỹ vẫn đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống đã giảm mạnh nhưng một số quốc gia châu Âu thời gian qua vẫn tăng cường mua LNG từ Nga, được vận chuyển bằng đường biển. Theo IEEFA, Pháp đã tăng 81% lượng LNG nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2023-2024, tương đương 2,68 tỷ euro (khoảng 3 tỷ USD).