Yêu cầu "sống còn" đối với khu vực
Trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên đang có chiều hướng gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có châu Á, gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống, sinh kế và sự ổn định kinh tế - nhất là tại các quốc gia đang phát triển, nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chọi với các thách thức về khí hậu chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. Đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn. Những tác động của biến đổi khí hậu không chỉ gây tổn thất nặng nề sinh mạng và sinh kế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.
Để đối phó, nhiều quốc gia châu Á đã đưa ra các chiến lược tập trung vào tăng trưởng bền vững, trong đó ưu tiên cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với các tác động khí hậu. Ví dụ, chiến lược tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai của Indonesia cho thấy cam kết của khu vực đối với sự phát triển dài hạn và ổn định.
Cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu không chỉ bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, mà còn mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội rõ rệt. Các dự án này tạo việc làm, cải thiện sức khỏe cộng đồng, và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức về chi phí, tài trợ và pháp lý, các quốc gia châu Á đang không ngừng nỗ lực để vượt qua những rào cản này. Đồng thời, nhận thức về tầm quan trọng của việc cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường và hòa nhập xã hội ngày càng rõ nét. Điều đó giúp bảo đảm rằng tất cả các cộng đồng đều được hưởng lợi từ tiến trình hướng tới khả năng phục hồi khí hậu của khu vực.
Cơ chế tài chính sáng tạo và hợp tác công - tư vì tương lai bền vững
Một trong những động lực chính thúc đẩy thành công của châu Á trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu được trước sự khắc nghiệt của khí hậu là cơ chế tài chính sáng tạo. Indonesia là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, huy động được hơn 7 tỷ USD thông qua việc phát hành trái phiếu sukuk xanh (còn gọi là trái phiếu tuân thủ luật Sharia) kể từ năm 2018. Số tiền này được sử dụng để hỗ trợ các dự án nhằm mục đích giảm phát thải carbon và thúc đẩy tính bền vững, chẳng hạn như các sáng kiến về năng lượng tái tạo, các chương trình quản lý chất thải cũng như các nỗ lực tái trồng rừng.
Malaysia và Bangladesh cũng tham gia phong trào phát hành sukuk xanh, đóng góp vào các nỗ lực chung của khu vực nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Indonesia còn phát hành Trái phiếu Mục tiêu phát triển bền vững và Trái phiếu Samurai Blue, cho thấy xu hướng ngày càng tăng của khu vực trong việc tận dụng thị trường tài chính để phục hồi khí hậu.
Đặc biệt, tiến trình tài trợ cho các cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu của châu Á sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân. Tại Indonesia, mô hình tài chính hỗn hợp do PT Sarana Multi Infrastruktur, doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài chính có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, đã thu hút được lượng đầu tư tư nhân đáng kể để hỗ trợ các dự án xanh. Cách tiếp cận này đang được nhân rộng ở các quốc gia như Ấn Độ và Philippines, nơi tài chính kết hợp đang giúp giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.
Trên khắp khu vực, các sáng kiến nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng xanh và các dự án quy mô lớn, phù hợp với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đang được triển khai mạnh mẽ. Tại Indonesia, Quỹ Bảo lãnh Cơ sở hạ tầng đang giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư trong các quan hệ đối tác công - tư, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tương tự, Việt Nam và Thái Lan đang phát triển các quỹ và cơ chế bảo lãnh cơ sở hạ tầng xanh, mở ra cơ hội thu hút đầu tư bền vững và khẳng định xu hướng phát triển xanh của khu vực.
Nhiều Chính phủ châu Á cũng đang đưa ra các chính sách ưu đãi tài chính, chẳng hạn như miễn thuế tạm thời, trợ cấp cho các dự án năng lượng công nghệ mới và tái tạo. Ví dụ, Indonesia, với chính sách miễn thuế cho các dự án năng lượng mới, đã đặt ra một tiền lệ mà Ấn Độ cũng đang áp dụng. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.
Ngoài việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng giúp chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học phong phú của châu Á cũng là ưu tiên hàng đầu. Châu Á là nơi có một số hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, bao gồm rừng mưa nhiệt đới của Indonesia và rừng ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những kho báu thiên nhiên đó đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép và biến đổi khí hậu. Các quốc gia như Indonesia đang triển khai các chiến lược, chẳng hạn như Chiến lược và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học Indonesia, để bảo tồn các hệ sinh thái như vậy.
Hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu về tài chính khí hậu
Trên bình diện quốc tế, vai trò lãnh đạo của châu Á trong lĩnh vực tài chính khí hậu được thể hiện rõ thông qua sự tham gia tích cực với các ngân hàng phát triển đa phương. Quan hệ đối tác với Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, thông qua các sáng kiến như Cơ chế chuyển đổi năng lượng và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với thách thức khí hậu khác.
Thị trường carbon nội địa đang phát triển nhanh chóng tại nhiều quốc gia châu Á. Khuôn khổ pháp lý về tài chính carbon của Indonesia, thị trường carbon quốc gia của Trung Quốc hay hệ thống giao dịch phát thải tự nguyện của Nhật Bản là những sáng kiến tạo ra các thị trường minh bạch và đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia giao dịch carbon, cả trong nước lẫn quốc tế.
Khi châu Á tích cực điều chỉnh các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu theo các tiêu chuẩn toàn cầu, Bộ phân loại ASEAN cho nền tài chính bền vững (ASEAN Taxonomy) đã trở thành một công cụ không thể thiếu. Khung này bảo đảm rằng các nguồn tài chính sẽ hướng đến những dự án thúc đẩy phát triển bền vững. Sự hài hòa này với các khuôn khổ toàn cầu, như các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tạo điều kiện cho dòng vốn xanh chảy qua các biên giới một cách thuận lợi hơn.
Chặng đường của châu Á trong việc củng cố cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo, tinh thần hợp tác và vai trò lãnh đạo của khu vực trong việc ứng phó với một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu. Đồng thời, hành trình này còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một tương lai bền vững và kiên cường, bảo đảm sự thịnh vượng lâu dài cho cả châu lục lẫn thế giới.