Châu Á thận trọng trước những cái bẫy vô hình

28/01/2007 00:00

10 năm sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á 1997, Hội nghị Thống đốc các Ngân hàng Trung ương Châu Á vừa qua tại Nhật Bản đã cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng nóng cùng dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào khu vực này đang đẩy Châu Á đứng trước những nguy cơ phải chứng kiến lịch sử lặp lại.

      Đầu tuần qua, các Thống đốc Ngân hàng khắp Châu Á cùng nhau nhìn lại 10 năm thời kỳ hậu cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, từ đó nhất trí cho rằng các quốc gia Châu Á cần tự bảo vệ tốt hơn trước những nguy cơ gây ra bởi tình trạng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào khu vực. Trong báo cáo đánh giá về nền kinh tế Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết số vốn đầu tư cá nhân vào Châu Á đã tăng từ mức 60 tỷ USD năm 2005 lên 88 tỷ USD vào năm 2006. Ấn tượng trước tốc độ phát triển của kinh tế khu vực, các nhà đầu tư đồng loạt mở hầu bao nhiều hơn cho thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Ấn Độ và Indonesia?
      Tuy nhiên, sau bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, các nước Châu Á đã tỏ ra thận trọng hơn trong trò chơi tài chính. Thống đốc ngân hàng Philippines Amando Tetangco cho rằng đầu tư nước ngoài tăng nhanh thời gian qua vì bức tranh kinh tế vĩ mô của Philippines nói riêng và Châu Á nói chung được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên do lượng vốn chảy vào quá ồ ạt cũng đặt ra không ít thách thức đối với chính sách kinh tế của các nước này.

06--chau-a-300.jpg

      Vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Châu Á ồ ạt đã đẩy giá đồng nội tệ của một số nước trong khu vực lên cao. Trong năm 2006, đồng bạt của Thái Lan đã tăng 10,5%, đồng peso của Philippines tăng 7,3% trong năm 2006. Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến doanh thu từ xuất khẩu của các nước này. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng vốn mạnh còn tác động xấu đến tỷ lệ lạm phát. 
      Giám đốc IMF Rodrigo Rato cho rằng trước mắt, tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ của thị trường tài chính thế giới sẽ tiếp tục khiến một khối lượng lớn tư bản chảy vào các nền kinh tế mở, có ưu thế về xuất khẩu ở Châu Á. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư chảy vào quá ồ ạt và đột ngột sẽ khiến nền kinh tế của nước đó bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và đây sẽ là yếu tố gây mất ổn định cho bất kỳ nền kinh tế nào. Vào tháng 12.2006, thị trường chứng khoán Thái Lan, mặc dù đang trên đà hồi phục tốt, đã bị rung chuyển do các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn. Tỷ số chứng khoán đã giảm 15%, mức kỷ lục từ nhiều năm nay.
      Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Toshihiko Fukui nhận định nhiệm vụ khó khăn nhất đối với bất kỳ cơ quan quản lý tiền tệ nào là duy trì sự ổn định của tỷ lệ trao đổi ngoại hối, dòng dịch chuyển tự do của đồng vốn và giữ sự độc lập trong chính sách tiền tệ. Thái Lan sau bài học xương máu bị chảy chảy máu ngoại tệ ồ ạt năm 1997, đã áp dụng các biện pháp mạnh như phạt nặng các nhà đầu tư rút vốn trong vòng một năm đầu tiên và đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy chu chuyển dòng tiền đầu tư ra ngoài đất nước. Bên cạnh đó, ông Fukui cũng đề nghị tăng cường trao đổi thông tin giữa ngân hàng, thúc đẩy trao đổi ngoại tệ và chức năng thị trường tài chính để từ đó hóa giải những cú sốc bên ngoài từ dòng chảy vốn quá lớn với kinh tế Châu Á. Bên cạnh đó, các nền kinh tế Châu Á có thể sử dụng những khoản dự trữ ngoại tệ lớn của mình như một tấm đệm hiệu quả chống lại các khả năng nguy hiểm có thể xảy ra của các dòng vốn. Các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương hiện đang có hơn 3,1 nghìn tỷ USD trong dự trữ ngoại tệ, chiếm hơn 60% tổng dự trữ toàn cầu. Dự trữ của Trung Quốc tăng cao tới hơn 1.000 tỷ USD năm 2006 trong khi Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng tăng tới 1/5 dự trữ trong năm 2006. Cụ thể, Indonesia đang có tốc độ tăng dự trữ ngoại tệ cao ở mức 23%, đạt 42,58 tỷ USD năm 2006.

Diệu Linh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Châu Á thận trọng trước những cái bẫy vô hình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO