Năm 2023, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật mới đề xuất mức phạt tới 3 triệu won (khoảng 2.172 USD) đối với các doanh nghiệp bị Bộ Môi trường đánh giá là đã lừa dối người tiêu dùng về chứng chỉ xanh của họ. Luật này, có hiệu lực vào năm 2024, báo hiệu thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của đất nước kim chi đối với nạn “tẩy xanh”. Luật ra đời bắt nguồn từ một vụ kiện mang tính bước ngoặt vào năm 2021 của nhóm vận động Giải pháp cho khí hậu của chúng ta (SFOC), cáo buộc SK E&S “tẩy xanh” sau khi tập đoàn dầu mỏ lớn này quảng cáo rằng, họ sẽ sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) “không có CO2” .
Trước đây, Hàn Quốc phạt hành vi “tẩy xanh” theo Luật Phát triển và hỗ trợ công nghệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế không có khoản phạt nào được đưa ra theo luật này, mà chỉ có các thông báo hành chính, vốn không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Theo các nhà quan sát, một trong những lý do khiến việc đưa ra hình phạt trở nên khó khăn là vì Chính phủ phải chứng minh doanh thu đến từ quảng cáo “tẩy xanh” là bao nhiêu, trong khi điều này rõ ràng là rất khó thực hiện.
Ngoài các luật nói trên, Cơ quan Giám sát tài chính (FSS) của Hàn Quốc cũng ban hành hướng dẫn nhằm tăng cường tính minh bạch về các phương pháp và thủ tục được các cơ quan xếp hạng tín dụng sử dụng để thực hiện đánh giá chứng nhận trái phiếu ESG. Những hướng dẫn trên, có hiệu lực từ ngày 1.2.2023, đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc ban hành quy định thuộc loại này.
Trước đó, năm 2020, Hàn Quốc đưa ra các quy tắc báo cáo và công bố về ESG để hỗ trợ các quy định về chống “tẩy xanh”. Cụ thể là, các doanh nghiệp niêm yết phải tiết lộ thông tin ESG của mình, bao gồm các tác động đến môi trường, trách nhiệm xã hội và thông lệ quản trị. Họ phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo này hàng năm, nếu không sẽ phải chịu phạt theo quy định và thiệt hại về danh tiếng. Các quy tắc nhằm mục đích cải thiện khả năng tiếp cận của nhà đầu tư với dữ liệu minh bạch, đáng tin cậy về các nỗ lực phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bằng cách đó, các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sáng suốt về khoản đầu tư của mình, từ đó ngăn chặn các hoạt động “tẩy xanh”.
Singapore: chương trình "dán nhãn xanh"
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng hệ thống phân loại với việc đưa ra Chương trình Dán nhãn xanh (GLS) vào năm 1992. GLS giúp người tiêu dùng xác định các sản phẩm thân thiện với môi trường và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Gần đây hơn, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã đề xuất các kế hoạch phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB). Theo tiêu chuẩn, tất cả các tổ chức phát hành niêm yết, quỹ tín thác kinh doanh và quỹ tín thác đầu tư bất động sản sẽ bắt buộc phải cung cấp báo cáo liên quan đến tác động khí hậu bắt đầu từ năm 2025. Các công ty chưa niêm yết có doanh thu ít nhất 1 tỷ USD cũng sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo bắt đầu từ năm 2027. Singapore đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia là trung tâm toàn cầu về các hoạt động kinh doanh bền vững như một phần trong Kế hoạch Xanh Singapore 2030.
Trên thực tế, cách tiếp cận của Singapore nhằm chống lại hoạt động "tẩy xanh" bao gồm khuôn khổ pháp lý nhiều mặt được thiết kế để thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ người tiêu dùng. Các thành phần cốt lõi của khung này ngoài GLS như đề cập ở trên, còn có Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Giao dịch công bằng) - CPFTA hay Cơ quan tiêu chuẩn quảng cáo (ASAS)…
Chẳng hạn, CPFTA nghiêm cấm các hành vi không công bằng, bao gồm các tuyên bố sai trái hoặc gây hiểu lầm về lợi ích môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong khi đó, ASAS đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các hoạt động quảng cáo. Cơ quan này ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể giải quyết các tuyên bố về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh tuyên bố của mình bằng bằng chứng đáng tin cậy, bảo đảm phản ánh chính xác lợi ích môi trường của sản phẩm, ngăn chặn các công ty đưa ra những tuyên bố xanh chưa được xác minh.
Trung Quốc: chống “tẩy xanh” trong thị trường tài chính
Là một trong những thị trường tài chính xanh lớn nhất thế giới, các hành động của Trung Quốc nhằm hạn chế hoạt động “tẩy xanh” sẽ có tác động toàn cầu. Mặc dù đất nước gấu trúc đã thiết lập một thị trường trái phiếu xanh rộng lớn, nhưng nước này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về tính minh bạch, làm gây lên mối lo ngại về “tẩy xanh” trong các nhà đầu tư.
Vì thế, Ủy ban Điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành hướng dẫn tài chính xanh. Những hướng dẫn yêu cầu các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải thúc đẩy tài chính xanh ở cấp chiến lược; giảm dần cường độ carbon và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tháng 7.2022, Trung Quốc công bố Nguyên tắc trái phiếu xanh, phù hợp chặt chẽ với các tiêu chuẩn quốc tế. Những nguyên tắc này yêu cầu 100% số tiền thu được từ trái phiếu xanh sẽ được tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của thị trường chứng khoán trong việc tài trợ cho đầu tư xanh. Những nỗ lực bao gồm hỗ trợ các công ty xanh đủ tiêu chuẩn trong việc huy động vốn thông qua IPO và phát hành thứ cấp. Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy chỉ số trái phiếu xanh và công bố thông tin môi trường bắt buộc đối với các công ty niêm yết lẫn tổ chức phát hành trái phiếu… Tháng 8.2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải yêu cầu 100% số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh phải được đầu tư vào các dự án xanh, tăng từ mức 70% trước đó. Ngoài ra, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng yêu cầu cả hai sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến sửa đổi các quy tắc để điều chỉnh việc phát hành trái phiếu phù hợp với nguyên tắc trái phiếu xanh…