Châu Á – đầu máy thay thế của kinh tế thế giới

09/12/2006 00:00

Người tiêu dùng Mỹ từng được coi là một trong những đầu máy chính của tăng trưởng toàn cầu trong một thập kỷ qua. Vậy mà hiện rất nhiều người tiên đoán chú Sam sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2007, từ đó kéo theo nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, viễn cảnh trên sẽ không xảy ra nếu châu Á có thể tách ra khỏi đầu tàu đang chạy ì ạch của Mỹ.

      Thông thường, người tiêu dùng Mỹ thường đơn thương độc mã giữ cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng, trong khi người châu Âu, châu Á lại tỏ ra thận trọng và thường thiên về tiết kiệm. Tuy nhiên, tầm quan trọng của Mỹ đối với tăng trưởng toàn cầu thường hay bị phóng đại vì suốt 5 năm qua, Mỹ chỉ chiếm 13% tăng trưởng GDP toàn cầu, tính theo tỷ suất sức mua tương đương (purchasing-power parity-PPP). Trên thực tế, người lái tàu thực sự của nền kinh tế thế giới là châu Á, chiếm tới hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2001. Thậm chí, nếu xét về tiêu chí đồng USD hiện tại, châu Á đã đóng góp 21% vào tăng trưởng GDP thế giới, hơn hẳn Mỹ với chỉ 19%. 
      Tuy nhiên, nhiều người có thể lập luận, tăng trưởng của châu Á dựa quá nhiều vào việc xuất khẩu sang Mỹ, trong khi nhu cầu nội địa lại thấp. Bằng chứng là châu Á đang thặng dư tài khoản vãng lai hơn 400 tỷ USD, nghĩa là châu lục này đóng góp nhiều vào nguồn cung hơn là cầu của thế giới. Do vậy, nếu nhu cầu của Mỹ mà giảm mạnh, tăng trưởng xuất khẩu và năng suất của châu Á cũng sẽ giảm tương đối. 
      Điều này có thể đúng nhưng đó chỉ là những thay đổi trong xuất khẩu ròng, nhân tố đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của một nước chứ không phải là quy mô tuyệt đối của thặng dư đó. Kể từ năm 2001, thăng dư thương mại của các nước châu Á mới nổi tăng cộng thêm trung bình chưa đầy 1%/năm vào tỷ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực là 7%. Trái lại, tăng trưởng chủ yếu của châu Á được thúc đẩy bằng các yếu tố trong nước. Thực sự, nhu cầu nội địa (đầu tư và tiêu dùng) tăng chậm hơn GDP trong một năm qua ở hầu hết châu Á, trừ Malaysia. Nhưng ở phần lớn trường hợp, khoảng cách này rất nhỏ, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. 
      Sự thực là xuất khẩu chiếm 40% GDP của Trung Quốc, nhưng lượng xuất khẩu đó lại có một phần nhập khẩu lớn, và chỉ có 1/4 giá trị xuất khẩu Trung Quốc được cộng vào nội địa. Do vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bị chậm đi sẽ phần nào được bù lại bằng việc giảm tốc độ nhập khẩu. Tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc chủ yếu có được nhờ nhu cầu trong nước, vốn có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 9% trong những năm gần đây. Sức tiêu dùng thực sự của người Trung Quốc đã tăng trung bình 10%/năm trong suốt thập kỷ qua, nhanh nhất thế giới và vượt cả Mỹ.
      Vậy có phải các hộ gia đình Trung Quốc đang tiết kiệm được rất nhiều tiền? Thực tế không phải như vậy, tiền tiết kiệm mà mỗi hộ gia đình Trung Quốc dành dụm được đã giảm từ 20% xuống còn 16% GDP trong vòng một thập kỷ qua. Nguyên nhân là do các công ty Trung Quốc đã tiết kiệm được rất nhiều khoản lợi nhuận khổng lồ.  
      Khắp các nước châu Á khác cũng không còn những người tiêu dùng tằn tiện nữa. Mặc dù tốc độ tiêu dùng đang giảm ở phần lớn châu Á nhưng điều này không có nghĩa là các hộ gia đình đã tiết kiệm nhiều hơn. Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, tiết kiệm gia đình đã giảm mạnh, từ 15% GDP trong cuối những năm 80 xuống còn 8% hiện nay. Nghịch lý này được giải thích như sau, ngày nay lượng thu nhập tăng chậm hơn GDP khi vốn sản xuất cần tăng nhiều hơn. Điều đó có nghĩa rằng người tiêu dùng châu Á đang tiêu nhiều hơn vào thu nhập bằng cách vay hoặc bớt dành dụm đi. 
      IMF ước tính ở châu Á, tăng trưởng tiêu dùng trung bình vào khoảng 6,3%/năm trong năm 2005 và 2006. Đó là hàm ý: người tiêu dùng châu Á có thể giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh ngay cả khi nền kinh tế Mỹ bị tụt dốc. Một số nhà học giả tiên đoán sẽ có một sự bùng nổ tiêu dùng ở châu Á trong những năm tới, và nó sẽ giúp lấp khoảng trống khi người Mỹ thắt chặt ví tiền. 
      Một lý do nữa để tin rằng các nền kinh tế châu Á có thể tách ra khỏi sự suy thoái của Mỹ là phần lớn các quốc gia ở đây đều có mức thâm hụt ngân sách rất nhỏ hoặc thậm chí còn thặng dư. Vì vậy, họ có rất nhiều cơ hội nới lỏng chính sách tài chính để hỗ trợ nhu cầu trong nước nhằm bù đắp cho một số suy giảm xuất khẩu.
Vậy nước Mỹ  sẽ về đâu?
      Không chỉ tăng trưởng ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á chủ yếu là do nội lực trong nước mà thị phần Mỹ trong tổng lượng xuất khẩu của châu Á cũng đã giảm từ 25% xuống còn 20% trong vòng 5 năm qua. Ví dụ, tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 34% năm 1999 xuống còn 25% hiện nay. Trong khi đó, nước này đang nhắm vào thị trường EU với khối lượng tương đương thậm chí còn nhiều hơn. Bản báo cáo của tác giả Peter Morgan tại ngân hàng HSBC danh tiếng phân tích, tốc độ tăng trưởng của Mỹ mà giảm đi thì Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ bị tổn thương ít hơn các nền kinh tế nhỏ hơn như Singapore, Đài Loan và Hong Kong, những nơi thường phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài. Tuy vậy, với việc chiếm tới 3/4 GDP của châu Á, Trung Quốc, ẤËn Độ và Nhật Bản sẽ hỗ trợ được nhu cầu của cả khu vực.
      Vậy là khi người Mỹ hắt hơi, phần còn lại của nền kinh tế thế giới sẽ không còn bị cảm lạnh nữa. Và dù có thể rùng mình vì suy thoái ở Mỹ có thể tác động gián  tiếp đến các kênh khác như thị trường tài chính, châu Á sẽ vẫn trụ vững.

Linh Đạm (Theo Economist)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Châu Á – đầu máy thay thế của kinh tế thế giới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO