Châu Á đang ở thời kỳ kiến tạo hệ thống?
Giữa lúc châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm thu hút sức mạnh và là đầu tàu thịnh vượng của cả thế giới, thì ba nước quan trọng nhất, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại bị cuốn vào vòng xoáy của những tranh cãi lịch sử và lãnh thổ. Những gì đang diễn ra ở châu Á khiến người ta liên tưởng tới thời kỳ kiến tạo hệ thống các quốc gia châu âu trong thế kỷ XVII.
Sóng gió gần đây liên tục đổ vào khu vực Đông Bắc Á. Chuyến thăm chớp nhoáng cách đây gần một tuần của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới quần đảo Dokdo (Nhật bản gọi là Takeshima) và yêu cầu Nhật hoàng Akihito xin lỗi về hành vi của quân đội Nhật đối với phụ nữ Triều Tiên bị bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai đã làm tê liệt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhật Bản mới đây tuyên bố xem xét việc tạm ngừng hoạt động ngoại giao con thoi và kế hoạch mở rộng khuôn khổ hoán đổi tiền tệ giữa hai nước.
Tranh cãi Trung – Nhật xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông cũng đang làm trầm trọng hóa quan hệ song phương, nhất là sau vụ các nhà hoạt động Trung Quốc cố đổ bộ lên đảo hồi giữa tuần qua và bị lực lượng chức năng Nhật Bản bắt giữ. Hai nước lần lượt triệu đại sứ của nhau lên để phản đối và Nhật đã nhanh chóng thả những người bị bắt, một động thái được cho là để không làm phức tạp thêm tình hình.
![]() Các nhà hoạt động Trung Quốc mang cờ Trung Quốc và Đài Loan đổ bộ lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa tuần trước |
Trung Quốc và Hàn Quốc cũng dính vào những tranh cãi xung quanh việc Bắc Kinh hồi hương những người Bắc Triều Tiên trốn sang nước này và một nhà hoạt động Hàn Quốc cáo bị các nhân viên công lực Trung Quốc hành hạ khi ông này bị bắt giữ.
Những vụ việc phức tạp đó đe dọa làm chệch hướng tiến trình hội nhập và hợp tác, điều tối cần thiết để duy trì sự năng động của khu vực. Sự bất bình của người Trung Quốc và Hàn Quốc trước những hành động của phát xít Nhật là có thể hiểu được. Nhưng, theo mạng tin Stratfor dẫn lời một số chuyên gia phân tích, điều đáng lo ngại là những bất bình này lại được chính phủ các nước sử dụng như những công cụ chính trị để theo đuổi các lợi ích đối nội và đối ngoại, nhằm làm giảm áp lực từ những bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước.
“Trước giai đoạn chuyển giao lãnh đạo, cả ba nước dường như đang chịu sức ép của dư luận. Người dân và giới chính trị gia có xu hướng dễ chịu tác động bởi các vấn đề liên quan đến lịch sử hoặc lãnh thổ và có thể gây nên những vòng xoáy khó kiểm soát”, giáo sư khoa học chính trị Nam Chang-hee của Đại học Inha, Hàn Quốc, nói. Tháng 11 tới, Trung Quốc bắt đầu cuộc chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ năm. Tháng 12.2012, Hàn Quốc sẽ bầu cử tổng thống. Nhật Bản thì đang rơi vào giai đoạn bất ổn chính trị với khả năng Thủ tướng Yoshihiko Noda phải từ nhiệm trong vài tháng tới.
Các mối quan hệ xấu đi đã làm dấy lên mối nghi ngờ về việc sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ dẫn tới những hợp tác sâu rộng hơn là gây ra nguy cơ xung đột. Nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực xây dựng một tam giác tự do mậu dịch chung mà ba nước đều nhận định có thể tạo ra một không gian để cùng phát triển thịnh vượng. Cả ba nước hiện có 1,5 tỷ dân, chiếm gần một phần năm dân số và một tỷ lệ tương đương GDP thế giới, khoảng 12.000 tỷ USD.
“Những tranh chấp như vậy và việc thái độ của dư luận thay đổi theo chiều hướng xấu đi có thể sẽ làm mất sự hấp dẫn của một châu Á đang trỗi dậy với tư cách là trung tâm của sự phát triển toàn cầu. Nếu các cuộc biểu tình chống Hàn Quốc, chống Nhật Bản càng kéo dài, quan hệ đầu tư và thương mại đầu tư càng giảm đi”, Kim Tae-hyun, giáo sư chính trị quốc tế Đại học Chung-Ang nói.
Căng thẳng leo thang giữa ba nước, đặc biệt là giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, chắc chắn sẽ gây lo ngại cho Mỹ, nước luôn muốn hai nước đồng minh truyền thống cải thiện quan hệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có động thái nào mạnh mẽ, chỉ kêu gọi các bên kiềm chế trong việc giải quyết các tranh chấp song phương. Washington luôn muốn tăng cường quan hệ hợp tác tam giác chiến lược với Hàn Quốc và Nhật Bản để thực hiên mục tiêu chiến lược của họ tại châu Á và từng rất thất vọng khi Seoul và Tokyo không đi đến ký kết được thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo cách đây một tháng.
Những gì diễn ra hiện nay làm người ta liên tưởng tới thời kỳ kiến tạo hệ thống các quốc gia châu Âu trong thế kỷ XVII, khi hầu hết các nước bị cuốn vào một cuộc chiến tranh tôn giáo 30 năm giữa đạo Thiên chúa và Tin lành, cho tới khi Hiệp ước Westphalia ký kết năm 1648. Nếu phải mất một thời gian dài như vậy, những tranh cãi lịch sử và lãnh thổ chắc chắn sẽ là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực thúc đẩy hội nhập và đưa Đông Bắc Á thành trung tâm của thế giới hiện đại.