Chất xúc tác cho cuộc Cách mạng Cam lần thứ hai?
Sóng gió lại nổi lên trên chính trường Ukraine sau khi Dự luật Ngôn ngữ gây tranh cãi vừa được Quốc hội nước này thông qua. Việc cho phép tiếng Nga được hưởng quy chế ngôn ngữ khu vực tại 13/27 đơn vị hành chính của Ukraine đang gây phẫn nộ cho những người mơ giấc mơ châu Âu.
![]() Phe đối lập tham dự cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật, chỗ ngồi của các nghị sỹ đối lập được phủ lên bằng quốc kỳ Ukraine Nguồn: AP |
Các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Dự luật Ngôn ngữ đã nổ ra khắp Kiev sau khi văn kiện này được Quốc hội thông qua lần cuối. Điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong dự luật là ngoài việc mở rộng đáng kể phạm vi sử dụng của các ngôn ngữ thiểu số, đặc biệt là tiếng Nga. Cụ thể, tiếng Nga sẽ có quy chế ngôn ngữ khu vực tại địa phương có tối thiểu 10% dân số sử dụng ngôn ngữ này. Ukraine có 13/27 đơn vị lãnh thổ hành chính như vậy.
Thực tế, nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận Ukraine đã xuất hiện ngay từ khi dự luật ngôn ngữ được soạn thảo. Những người dân ủng hộ dự luật cho biết họ vì sự ổn định của đất nước. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng văn kiện này cơ đe dọa chủ quyền của Ukraine.
Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn do các vụ xô xát giữa hai phe ủng hộ và phản đối dự luật, khiến cảnh sát chống bạo động phải can thiệp bằng đạn hơi cay và dùi cui. Không chỉ trên đường phố, nghị trường Ukraine cũng nóng lên từng giờ. Tổng thống Yanukovich đã tuyên bố nước này có thể phải tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn nếu cuộc khủng hoảng tại cơ quan lập pháp tiếp diễn dai dẳng. Ông đã gặp một số nhà lãnh đạo thuộc các phe trong Quốc hội để thảo luận cuộc khủng hoảng tại cơ quan lập pháp sau khi Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Lytvyn từ chức. Theo đúng lịch trình, Ukraine sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào tháng 10 tới.
Dự luật ngôn ngữ được thông qua thực chất chỉ là giọt nước tràn ly khi lâu nay trong xã hội Ukraine ngấm ngầm tồn tại sự chia rẽ giữa một bên là những người ủng hộ xích lại gần châu Âu, xóa bỏ những di sản từ thời nước này còn là một thành viên trong Liên Xô trước đây, với một bên là những người mong muốn tăng cường quan hệ với Moscow - quốc gia mà Ukraine có nhiều nét tương đồng văn hóa. Chính sự phân hóa này từng là mảnh đất cho cuộc Cách mạng Cam lần thứ nhất nổ ra vào tháng 11.2004, lật độ chế độ của Tổng thống khi đó là ông Leonid Kuchma, đưa thủ lĩnh phe đối lập Viktor Yuschenko thân phương Tây lên nắm quyền. Giờ đây, tình hình của Ukraine cũng đúng như cách đây 8 năm và câu hỏi đặt ra là kịch bản Cách mạng Cam liệu có lặp lại.
Thực tế, mặc dù Tổng thống Yanukovych khẳng định chính sách đối ngoại đa phương nhằm cân bằng giữa Nga và phương Tây, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách của Kiev đang nghiêng về Moscow. Sau khi trở thành Tổng thống Ukraine tháng 2.2010, ông Yanukovych đề ra nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác an ninh với Nga, đồng thời đánh giá thấp tầm quan trọng trong việc hợp tác với NATO - một trong những ưu tiên chính sách trong 3 đời tổng thống Ukraine từ tháng 1.1994, khi Kiev tham gia Quan hệ đối tác vì Chương trình Hòa bình (PFP) của NATO. Chủ trương này phù hợp với tâm lý và nguyện vọng của một số bộ phận dân cư Ukraine gắn bó với Nga.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế khác – đó là nhiều người dân nước này muốn xa rời quỹ đạo Nga, xích lại gần hơn với phương Tây, coi đây là một miền đất hứa trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Tâm lý này nảy sinh từ hiện trạng mức sống ngày càng giảm sút, cuộc chiến chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả, đe dọa uy tín của chính quyền và Tổng thống Yanukovych. Thêm vào đó, các thế lực bên ngoài không ngừng xuyên tạc, bôi xấu và bóp méo hình ảnh về ban lãnh đạo đất nước, ủng hộ phe đối lập trong nước. Vấn đề đặt ra lúc này là lực lượng nào sẽ thắng thế?
Theo các chuyên gia nước ngoài, năm 2012 “sẽ là năm nổi dậy của người Slave chống lại các chế độ ở Belarus và Ukraine” và “Ukraine sẽ xuất hiện trở lại cuộc Cách mạng Cam sau khi sự tức giận của công chúng về các biện pháp khắc khổ lan rộng. Thủ lĩnh đối lập Yulia Tymoshenko sẽ được trả tự do sau khi ông Yanukovych buộc phải từ chức nhưng sẽ không chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống”.
Nhà phân tích Vadym Karasiov nói: “Chắc chắn năm 2012 sẽ xảy ra cuộc cách mạng. Vấn đề là, chưa biết cuộc cách mạng đó sẽ diễn ra thế nào”. Dự luật ngôn ngữ trên có thể là chất xúc tác cho các cuộc biểu tình đã được dự đoán và cuốn Ukraine vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới.