Bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin
Chia sẻ về Đề án 977 "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân", ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cho biết, xác định công tác triển khai Đề án là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND, Hội đồng PBGDPL Thành phố thực hiện nhiều công việc. Từ năm 2023 đến nay, Sở Tư pháp đã biên soạn và đăng tải 252 tài liệu tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến Đề án 977 trên Trang thông tin điện tử của Sở...
Hiện nay, 100% sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã xây dựng, vận hành Cổng/Trang thông tin điện tử… Thống kê từ năm 2015 đến nay, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã đăng tải 3.623 tin, bài, văn bản, tài liệu PBGDPL ngắn, bài giảng, hình ảnh, video clip trên Cổng thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố (http://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn)... Ngoài ra, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh còn xây dựng mô hình "Sách nói pháp luật" online dành cho đối tượng đặc thù (người khuyết tật).
Theo Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), đến nay, trên toàn quốc có 7 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL. Cổng/Trang thông tin được các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên, đầu tư nội dung, hình ảnh. Đơn cử như Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận thường xuyên cập nhật, đăng tải các tài liệu PBGDPL, Sổ tay Hỏi - Đáp, tờ gấp, video clip tiểu phẩm pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh về hoạt động PBGDPL cũng như các quy định, phân tích pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hay như trang thông tin PBGDPL tỉnh Lai Châu đã đăng tải gần 1.000 tin, bài, tài liệu tuyên truyền, đề cương tuyên truyền pháp luật, thu hút trên 7 triệu lượt người truy cập. Kênh thông tin này là cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL chính xác và thống nhất. Trang thông tin điện tử được liên kết, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật.
Mặc dù đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong PBGDPL, song, theo đánh giá của các chuyên gia, Cổng/Trang Thông tin về PBGDPL của nhiều địa phương chưa có kết nối, chia sẻ thông tin lên hệ thống phổ biến pháp luật của quốc gia. Chính vậy, hệ thống thông tin PBGDPL trên cả nước chưa được thống nhất, đồng bộ về nội dung, thông tin dữ liệu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong PBGDPL cũng tồn tại nhiều khó khăn về kinh phí và nhân lực chất lượng cao.
Ứng dụng AI, xây dựng trợ lý ảo trongphổ biến giáo dục pháp luật
“Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 - 2030” đang được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, đã đặt ra mục tiêu là tạo sự thay đổi căn bản về phương thức PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ cách làm truyền thống sang thực hiện trên môi trường số, bảo đảm thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Theo Dự thảo Đề án, các mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2027 là xây dựng kho dữ liệu về PBGDPL trên môi trường mạng là nơi cung cấp thông tin pháp luật tập trung phục vụ nhu cầu của người dân; vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia; phấn đấu có ít nhất 60% trở lên người dân trong độ tuổi lao động được PBGDPL, tiếp cận văn bản, quy định của pháp luật qua các ứng dụng công nghệ số… Điều đó đòi hỏi, cần tích hợp nhiều giải pháp, bảo đảm nguồn lực cả về kinh phí, nhân lực, kỹ thuật, phần mềm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL.
Ông Phạm Quang Hiếu, quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) chia sẻ, về cách thức, Bộ Tư pháp mong muốn ứng dụng công nghệ mới, khi đặt vấn đề phổ cập toàn quốc, toàn dân thì không thể làm cách truyền thống; giải pháp tính đến là nền tảng đào tạo trực tuyến đại trà, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng trợ lý ảo... Thông qua việc sử dụng AI, các địa phương có thể nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, giúp người dân tiếp cận, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Khẳng định việc ứng dụng AI trong PBGDPL là xu hướng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, ông Trần Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Quốc tế Incom đề xuất, các địa phương cần xây dựng hệ thống phần mềm trả lời tự động (Chatbot) kết hợp AI và dữ liệu văn bản luật, nhằm tự động hóa quá trình làm việc, giảm tải cho các chuyên viên tư vấn. Tại mỗi cơ quan hành chính nên có 1 đến 2 máy tính phục vụ cho việc hỏi đáp/tra cứu tự động, người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính có thể tra cứu và làm theo hướng dẫn.
Theo đó, ứng dụng AI hỗ trợ tạo ra nội dung PBGDPL mang tính tương tác; chẳng hạn như các trò chơi giáo dục, bài kiểm tra, hay các tình huống mô phỏng thực tế (simulation), tự động tạo ra các bài giảng, bài thuyết trình và tài liệu giáo dục pháp luật dựa trên nội dung đầu vào. Ngoài ra, ứng dụng AI còn tạo ra các video với nội dung mang tính giáo dục pháp luật với giọng đọc tự nhiên và hình ảnh minh họa, infographic giúp tăng tính tương tác và thu hút người dân tìm hiểu về pháp luật. Tuy nhiên, giải pháp này phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật chất lượng cao, đầy đủ, chính xác, cập nhật liên tục, bảo đảm dữ liệu mới nhất để đào tạo mô hình AI.