Chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Bài 6:Tạo điều kiện phát triển du học tại chỗ
Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập, nhiều trường học có yếu tố nước ngoài đã xuất hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo cơ hội cho con em một bộ phận người dân được tiếp cận chương trình quốc tế mà không phải ra nước ngoài. Đây là một kiểu du học tại chỗ, nhưng quản lý loại hình trường này thế nào đang là điều lãnh đạo 2 thành phố lớn quan tâm.
>> Không thu hút được người giỏi vào sư phạm
>> Chương trình, sách giáo khoa chưa phải là tất cả
>> Bài 1: Có thể một chương trình mở, nhiều sách giáo khoa
>> Bài 2: Chuẩn mà không chuẩn
>> Bài 4: Dạy thêm, học thêm - nhu cầu có thật
>> Bài 5:Tìm mô hình mới cho trường chuyên
>> Bài 7: Nghịch lý trong đào tạo sư phạm
>> Bài 8: Các địa phương khát khao Đề án Kiên cố hóa trường lớp học
>> Trường chất lượng cao không cần nhà nước hỗ trợ
Tính đến hết tháng 2.2013, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cả nước thu hút 170 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 468 triệu USD. Quy mô trung bình khoảng 2,8 triệu USD/dự án. Trong số 170 dự án, cơ sở giáo dục phổ thông có 20 dự án, chiếm 33,2% về tổng vốn đầu tư. Các dự án tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chưa có dự án FDI vào giáo dục nào được thực hiện ở các tỉnh. TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 40 trường có yếu tố nước ngoài, trong đó 5 trường thành lập theo công hàm ngoại giao, còn lại là trường của người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, có học sinh Việt Nam theo học. Sở GD - ĐT Hà Nội cũng đã cấp phép và quản lý hoạt động cho 66 dự án giáo dục trên tổng số 29 pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 11 trường tiểu học, 11 trường THCS, 6 trường THPT. Các cơ sở giáo dục quốc tế và liên kết quốc tế đang phát triển mạnh nhưng trong giáo dục phổ thông thì Luật Giáo dục mới có một vài quy định chung chung, gây khó khăn cho quản lý cũng như tạo điều kiện cho mô hình này phát triển.
![]() |
Về danh nghĩa, trường có yếu tố nước ngoài như cơ sở giáo dục ngoài công lập của Việt Nam, nhưng có yếu tố quản lý của nước ngoài hoặc dạy một số chương trình của nước ngoài. Hiện có thể tạm chia làm 2 loại trường có yếu tố nước ngoài cơ bản. Thứ nhất là những trường dạy hoàn toàn chương trình của nước ngoài (bắt buộc dạy chương trình tiếng Việt 3 môn văn, sử, địa), đội ngũ giáo viên nước ngoài có bằng sư phạm, môi trường giáo dục quốc tế, bằng cấp được quốc tế công nhận. Thứ hai, phổ biến hơn, là các trường của Việt Nam, dạy theo chương trình của Bộ GD - ĐT, bổ sung một vài môn của nước ngoài. Hai trường có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội mà Đoàn giám sát của UBTVQH đến làm việc, đều thuộc loại hình thứ hai. Ngoài việc bảo đảm dạy theo chương trình của Bộ GD - ĐT, Trường Phổ thông Việt - Úc hợp tác với Trường Presbyterian Ladies College (Australia) thực hiện chương trình giáo dục toàn cầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, với hai môn học là tiếng Anh toàn cầu và Thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Trường Tiểu học Quốc tế VIP tăng cường dạy các kỹ năng như kỹ năng sống, kỹ năng biểu đạt, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng học tập, kỹ năng lãnh đạo…; bộ môn tiếng Anh tập trung phát triển kỹ năng nghe nói và ngữ âm với trợ giảng là cộng tác viên bản ngữ.
Trường song ngữ quốc tế Horizon (TP Hồ Chí Minh) lại khác, cũng hoàn toàn dạy chương trình của Bộ GD - ĐT Việt Nam, nhưng 5 môn dạy song ngữ (dịch chương trình của Việt Nam sang tiếng Anh), kết hợp với sách của Trường ĐH Cambridge. Mục tiêu của trường là duy trì số tiết bằng tiếng Việt để học sinh bảo đảm theo được chương trình, nhưng sẽ tăng số tiết tiếng Anh. Vấn đề nhiều thành viên Đoàn giám sát băn khoăn là trường dạy 1 chương trình 2 lần, đầu tiên bằng tiếng Việt, sau đó bằng tiếng Anh, mục tiêu chỉ để giúp học sinh tư duy bằng tiếng Anh. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Văn Học cho rằng, đào tạo song ngữ kiểu này tốn thời gian của học sinh.
![]() |
Có thể thấy, các trường có yếu tố nước ngoài đang phát triển tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận dân chúng muốn con em mình được hưởng giáo dục chất lượng cao, tiếp cận các chương trình quốc tế mà không phải ra nước ngoài. Theo thống kê, chi phí nhiều trường mô hình này thậm chí đắt hơn ở nước ngoài (lên đến 15.000 - 22.000 USD/năm học). Vậy nên, để vừa quản lý được loại hình trường này, vừa tạo điều kiện cho nó phát triển, tránh chảy máu ngoại tệ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị sớm có các văn bản hướng dẫn để điều chỉnh những vấn đề như: trường công lập liên kết với nước ngoài tuyển sinh học sinh nước ngoài, hay các trường có vốn đầu tư nước ngoài tuyển sinh học sinh Việt Nam... Cũng có ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ GD - ĐT phải ban hành chuẩn đánh giá, thẩm định chất lượng đào tạo của các trường có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, các trường đề nghị xem xét lại Nghị định 73, khống chế tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại các trường có yếu tố nước ngoài (10%). Bởi theo quy định này, nhiều học sinh Việt Nam có nhu cầu sẽ không được học những trường này và phải đi du học; các trường cũng khó khăn khi số lượng học sinh giảm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi tốt hơn về vốn, đất xây dựng trường cho các cơ sở giáo dục quốc tế đào tạo theo mô hình phi lợi nhuận; ưu tiên về thị thực hay giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài đến tham gia giảng dạy ở Việt Nam…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi, cần nhìn nhận đúng vai trò, vị thế của các trường ngoài công lập nói chung, các trường có yếu tố nước ngoài nói riêng: “Chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của xã hội, nếu không, phụ huynh sẽ cho con ra nước ngoài học. Lúc đó, rất nhiều ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Đấy là chưa kể ở lứa tuổi học sinh phổ thông, quản lý, chăm lo các em như thế nào khi đi du học cũng là vấn đề”. Về chương trình, “chúng tôi muốn chương trình Việt Nam là chủ yếu nhưng lồng ghép yếu tố nước ngoài trên tinh thần bằng hoặc hơn (chương trình của Việt Nam). Điều đó khi phát triển dạy học theo tín chỉ sẽ dễ dàng hơn; phần nào không bắt buộc có thể thay thế. Không bắt học trò cùng lúc học 2 chương trình, rất vất vả, kiến thức lặp lại”.