Cú rơi nghiệt ngã xóa tan mơ ước
Đến xã Xuân Phố của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hỏi thăm về anh Phạm Sỹ Long thì có lẽ ai cũng biết. Họ biết nhiều về anh bởi nghị lực, không buông xuôi trước số phận nghiệt ngã.
Trong căn nhà nhỏ của 2 mẹ con, người ta vẫn thường nghe thấy tiếng hát, tiếng đọc thơ luyến láy của chàng thanh niên Phạm Sỹ Long. Nếu không gặp, có lẽ ít ai biết được số phận nghiệt ngã mà anh đã phải trải qua.
Anh Long năm nay 35 tuổi. Anh vốn sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, vào năm 2003 khi ấy anh Long mới 15 tuổi, trong lúc đi chăn bò thì bất cẩn bị ngã từ trên cây xuống đất. Vụ tai nạn khiến anh bị gãy 2 đốt sống cổ. Gia đình đã đưa anh đi rất nhiều bệnh viện, nhưng bệnh tình không hề giảm bớt. Chân tay Long ngày càng teo tóp, cơ thể bị liệt hoàn toàn nằm bất động một chỗ. Cũng từ đây, ước mơ, hoài bão của chàng trai trẻ phải khép lại.
“Lúc đó tôi cũng mơ ước nhiều lắm, nhưng rồi tan biến hết. Lúc biết mình sẽ không được làm người bình thường nữa, tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng, nhiều lúc muốn tìm tới cái chết. Tôi trở nên gắt gỏng, thậm chí còn mắng chửi mẹ, phá đồ đạc, oán trách số phận…”, Long nhớ về khoảng thời gian khó khăn, khủng hoảng nhất của cuộc đời mình.
Trong khoảng thời gian khó khăn ấy, bà Trần Thị Hà (mẹ Long) luôn sát cánh cùng Long. Có lẽ nhờ tình yêu thương, sự ân cần chăm sóc của người mẹ, mà Long dần bình tâm lại, đón nhận sự thật đau lòng của mình.
“Phải mất hơn 4 năm, tôi mới dần chấp nhận sự thật. Trong khoảng thời gian ấy, tôi biết đêm nào mẹ cũng khóc. Tôi không muốn mẹ tôi đau khổ vì tôi nữa. Tôi muốn làm một điều gì đó cho mẹ”, anh Long chia sẻ.
Hạnh phúc vì mình không vô dụng
Dù đã vượt qua được cơn khủng hoảng về tinh thần, nhưng Long lại thấy cuộc sống của mình quá nhàm chán khi chỉ nằm một chỗ trên giường. Lâu lâu mới được mẹ bế lên chiếc xe lăn đẩy ra sân để ngắm nhìn cuộc sống.
Long muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, muốn mình có ý nghĩa hơn và làm được điều gì đó cho cuộc đời này. Anh bắt đầu mày mò, tìm kiếm những thú vui, công việc mới phù hợp với mình. Khi xem tivi và nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật viết bằng chân, Long đã ước bản thân có thể viết được.
“Tôi nhận ra cơ thể của mình chỉ còn duy nhất cái miệng là cử động được. Vì vậy tôi nghĩ mình có thể dùng miệng để viết chữ. Tôi đã nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Từ đó, cả ngày lẫn đêm, tôi bắt đầu dùng miệng để cầm bút. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, răng môi của tôi đau buốt”, Long nhớ lại.
Thời gian đầu, do miệng chưa quen nên các cơ căng cứng. Song với sự quyết tâm, những con chữ đầu tiên đã hình thành. Sau một thời gian dài rèn luyện thì miệng Long bắt đầu quen dần, viết chữ cũng bắt đầu nhanh hơn và không còn đau nữa. Những dòng chữ đầu tiên anh viết là họ tên của mình và người thân trong gia đình.
Khi dùng miệng viết được chữ thành thạo, anh bắt đầu sáng tác thơ theo thể tự do và tập vẽ tranh, tô màu… Những bức tranh vẽ về hoa lá, tĩnh vật cứ thế dần hiện lên đầy màu sắc bằng cách vẽ đặc biệt của anh.
Năm 2013, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”. Đến thời điểm hiện tại, anh đã sáng tác được 365 bài thơ, vẽ được hơn 60 bức tranh, 5 tác phẩm truyện và cuốn hồi ký dài trên 800 trang giấy.
“Dù những bài thơ ấy, bức tranh ấy có thể chưa hay, chưa đẹp, chưa được nhiều người biết đến nhưng đó là tất cả cuộc sống của tôi. Tôi hạnh phúc vì đã vượt qua được chính mình, không phải là người vô dụng”, anh Long nói.
Năm 2016, anh đã gây bất ngờ với người thân và những người hàng xóm khi quyết định gửi thư với mong muốn hiến đầu cho y học. Anh cho biết, khi đọc được các tin tức trên báo chí về việc thế giới sắp thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên, đồng thời biết thông tin bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đang tìm người tình nguyện hiến đầu cho y học nên anh Long đã viết thư xin đăng ký.
“Cơ thể tôi chỉ còn phần đầu là bình thường, nên tôi muốn hiến cho y học. Tôi muốn làm một điều gì đó có thể có ích cho xã hội. Tuy nhiên, sau đó có nhiều lý do nên mong ước ấy của tôi không thể thực hiện được”, Long cho biết.
Dù chỉ có phần đầu là hoạt động bình thường, nhưng Long rất ham học hỏi, học những điều mới mẻ. Khi viết chữ thành thạo, anh lại mày mò về công nghệ thông tin. Với chiếc iPad được một nhà hảo tâm trao tặng, anh bắt đầu tìm kiếm và khám phá thế giới.
“Tôi tham gia các khóa học về luyện giọng, đào tạo MC từ các diễn giả trong và ngoài nước. Sau khi thạo nghề, tôi quyết định mở lớp học online luyện giọng nói và ra mắt câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” trên kênh Youtube và Facebook. Hiện tại, lớp học online của tôi đã khai giảng khóa học thứ 8 với gần 100 học viên tham gia”, anh Long vui vẻ nói và cho biết để duy trì lớp học, anh thu một khoản phí nho nhỏ. Đối với những học viên khó khăn, khuyết tật nhưng có đam mê học thì anh không thu phí.
Với nghị lực, ý chí vượt lên số phận, năm 2022 Phạm Sỹ Long vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.