Theo hồ sơ bệnh sử, tháng 7.2022 bệnh nhân L.V.N. (25 tuổi ở Thanh Hóa) bị tai nạn giao thông đa chấn thương, chấn thương sọ não, hàm mặt, chấn thương ngực kín, chấn thương gan...
Quá trình hồi sức sọ não cho anh N là phức tạp nhất. Để hỗ trợ hô hấp, các bác sĩ phải mở khí quản bệnh nhân (tạo một lỗ ở cổ để thở) bất chấp nguy cơ gây hẹp khí quản luôn thường trực.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn xét nong và đặt stent khí quản tại một cơ sở y tế ở Hà Nội, nhưng thất bại. Sau đó phẫu thuật cắt nối khí quản nhưng cũng không thành công. Chỉ sau 2 tháng cắt nối, bệnh nhân lại khó thở, phải mở khí quản vĩnh viễn.
Dù người nhà chỉ thở qua đường cổ, vẫn ăn uống hoàn toàn bình thường, nhưng "có bệnh thì vái tứ phương", gia đình tiếp tục cho anh N. đi khám ở phòng khám tư, và được chỉ định tiêm 6 mũi vào vùng khí quản bị hẹp. Đến tháng 5.2023, sau tiêm mũi thứ 6, bệnh nhân bị loét, tổn thương lan sang thực quản, thông ra khí quản.
Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức Dương Đức Hùng cho biết, tới lúc này, bệnh nhân ăn uống cái gì đều bị chui vào phổi. Trên cơ thể bệnh nhân không chỉ phải "đục lỗ" để thở, mà còn phải đục ở dưới bụng để bơm thức ăn thẳng dạ dày.
Tình trạng này khiến tinh thần người bệnh, gia đình bệnh nhân vô cùng suy sụp, vì quá vất vả trong ăn uống, sinh hoạt. Suốt gần 2 năm, bệnh nhân liên tục bị loét chảy máu ở khu vực mở khí quản.
Bác sĩ Hùng khẳng định, rắc rối do mở khí quản không chỉ gây loét, chảy máu, mà về lâu dài, khi không thở qua đường tự nhiên (không khí được làm ấm, ẩm qua mũi), thở khí quản lâu ngày làm tăng nguy cơ xơ phổi, hỏng phổi, nguy cơ viêm phổi cao hơn người bình thường.
Đến tháng 6.2023, lần đầu tiên đến khám tại Bệnh viện Việt Đức, cơ thể bệnh nhân đã suy kiệt, cân nặng còn 42kg (cao 1m65), được chẩn đoán tổn thương đoạn khí quản dài tới 6,5cm, nhưng không thể can thiệp vì đã mổ cắt khí quản cũ, cũng không có vật liệu gì để can thiệp.
Sau khi tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật 2 thì cho người bệnh. Thì 1, bệnh nhân được tạo hình cắt - nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng. Thì 2, phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản cổ của người cho chết não.
Sau hai ca mổ thực hiện ngày 11.4 và 13.5 vừa qua, bệnh nhân không chỉ thở được bình thường, mà còn ăn uống được bình thường, nói được dù còn "thều thào".
Ngày 25.6, bệnh nhân được ra viện. Sau một tháng quay lại khám, người bệnh lên được 5kg, sẹo mổ liền, bệnh nhân tự thở, ăn uống tốt.
"Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân lên được 10kg. Bệnh nhân cần thực hiện một cuộc phẫu thuật nữa để giúp giọng nói trở về bình thường. Bệnh nhân đã có thể làm việc nhà, nấu cơm, chăm con", TS Hùng thông tin.
Theo Giám đốc Bệnh viện, đến nay, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn là thách thức trong ngoại khoa.
Với ca bệnh này, chúng tôi tự tin vào tay nghề của bác sĩ Việt Nam không thua gì thế giới. Chúng tôi cũng trân trọng những người chết não hiến tạng, không chỉ giúp các bệnh nhân ghép tim, gan, thận, phổi... mà những chi tiết nhỏ như mạch máu, thần kinh, khí quản, giác mạc... của họ đều có thể cứu giúp một cuộc đời", TS Hùng xúc động chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, tại viện có 16 trường hợp chết não hiến tạng.