"Chẳng có giai đoạn nào là viên mãn hay vất vả"

NGỌC DIỆP thực hiện 24/01/2021 09:27

Buổi sáng thức dậy với tiếng chim hót trong vườn, có người đàn ông mình yêu thương ở bên, có con cái sum vầy. Một cuộc sống với chất lượng không khí và thực phẩm tốt hơn những người ở đô thị…, Mỹ Linh đang có tuổi "ngoại tứ tuần" mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước.

Đây có phải giai đoạn viên mãn nhất của Mỹ Linh sau nhiều năm lao động cật lực?

- Tôi nghĩ từ "viên mãn" mang tính khách quan, không phải chủ quan. Đó là những gì mọi người nhìn thấy, tất nhiên những gì mọi người đang thấy không phải là không có cơ sở, tuy nhiên tôi có góc nhìn và cách suy nghĩ khác.

Tôi đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Chẳng có giai đoạn nào tên là viên mãn, hay tên là vất vả cả. Tất cả chỉ trong cái “thấy” của mình.

Khi mình đủ trải nghiệm, mình nhận ra ngày mai chưa đến, ngày hôm qua đã khép lại, viên mãn đồng nghĩa với tập trung vào hiện tại thôi.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Chị đã tuyên bố "Thời gian" có thể là tour diễn cuối cùng, "Chat với Mozart 2" có thể là album cuối cùng, khiến người ta nghĩ chị thực sự muốn nghỉ ngơi, nhưng cuối cùng vẫn thấy chị bận rộn với ba trung tâm đào tạo?

- Hiện tại tôi hơi bận nên đang cố gắng bớt bận đi. Nhiều người nghĩ bận là tốt, nhưng tôi nghĩ đến tuổi tôi bận quá không tốt đâu. Bận là do mình ôm đồm, chưa xác định được mình cần làm gì, bỏ việc gì thôi. Khi thu xếp được thời gian, tôi có thời gian tập luyện, đi diễn, đưa con đi học, thỉnh thoảng nghịch facebook và tận hưởng cuộc sống.

 Đã có lúc tôi sống để cho chồng con, bạn bè, khán giả nhìn vào. Khi mình sống như thế, mình sẽ rất bận. Bây giờ mình sống cho mình, mình không quan trọng phải làm vừa lòng người này người kia. Trước kia mình làm thế vì nể nang, giờ mình biết lựa chọn và biết nói không. Đó là lúc người phụ nữ trưởng thành.

  Trước kia mình cầu toàn, lúc nào cũng nghĩ việc này cần có mình mới xong. Giờ thì phải nhớ câu này: "vắng cô thì chợ vẫn đông”. Khi mình hiểu ra thì mình thấy cái Tôi mình sẽ vừa phải thôi. Không có mình ở đấy lúc đó, chắc gì mọi việc không ổn.

Khi nào chị nhận ra điều đó?

- Tôi đã học được điều này hơn 10 năm. Khi ở trong phố, môi trường chật hẹp, nhịp sống gấp gáp, mình cứ bị cuốn vào nên không nhận ra. Khi về Sóc Sơn, ở xa, tôi dễ từ chối các lời mời, đời sống cũng phải ngăn nắp hơn bởi ra khỏi nhà quên cái gì sẽ bị trả giá bằng thời gian, tiền bạc ngay. Tôi chợt nhận ra trước kia mình mất quá nhiều thời gian vô ích chẳng giúp ích gì được cho mình, thì đâu có nhiều thời gian để giúp người.

Nếu sống mà cứ phải làm vừa lòng tất cả mọi người rất mệt, vì chẳng bao giờ là đủ cả. Nên quan trọng là mình phải cảm thấy vui trước đã. Mình phải tự chịu trách nhiệm với đời mình. Nếu không vui cũng không đổ lỗi cho người khác. Sống trong sự tâm giao hòa hợp, không đòi hỏi, sẽ bớt khổ, sẽ tự nhận ra niềm vui từ bên trong.

Cá nhân nào tác động để chị có những nhận thức đó?

- Bản thân tôi là người hay quan sát, tự rút ra bài học cho mình. Tôi cố gắng không đi vào vết xe đổ của người khác và của chính mình. Tôi là người biết rút kinh nghiệm.

 - Có rất nhiều người khi vấp váp thường suy nghĩ rất nhiều về lỗi lầm của họ, còn chị thì sao?

- Buông chứ, đó là tính cách rồi, vì tôi không đặt nặng cái gì. Cuộc sống thay đổi liên tục, không ai không thể thay thế. Nếu mình muốn cuộc sống phải như ý mình, thì mình chẳng khác gì con chuột hamster cứ chạy vòng vòng trong bánh xe đồ chơi. Chỉ khi mình bước ra khỏi “chuồng”, mình sẽ hiểu cuộc sống luôn thay đổi, hiểu điều đó thì sẽ thôi nghĩ mọi sự phải nhất nhất theo ý mình.

Chị vừa nói “ai cũng có thể thay thế”. Chị đã đạt đến đỉnh cao của nghề và chấp nhận bị thay thế ở thời điểm vẫn còn sung sức?

- Từ "chấp nhận" nghe có vẻ khổ sở quá. Khi mình coi đó là lẽ tự nhiên thì sẽ cảm thấy mọi thứ rất bình thường. Khi mình coi mình là một phần của tất cả thì mình thấy mọi sự đơn giản lắm. Tôi đi hát, hay đi dạy học, hay đang trò chuyện với chị bây giờ, tôi đều vui. Lúc nào tôi cũng trọn vẹn với giây phút đó.

- Giai đoạn này chị quy hoạch nghiệp hát như nào?

- Tôi chẳng quy hoạch gì cả, tất cả tùy duyên. Khi đặt ra quy hoạch là rất tự cao đấy nhé. Ngày xưa tôi từng muốn quy hoạch mọi thứ, nhưng nhận ra chẳng dễ gì quy hoạch đâu. Vẫn có những thứ bất ngờ xảy ra phá vỡ dự định.

Những gì mà Mỹ Linh từng chia sẻ, luôn thấy rõ một thông điệp: Thành quả không tự dưng mà có, đều phải xuất phát từ lao động. Điều gì khiến chị có thể kiên trì, bền bỉ theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, cũng như chăm sóc gia đình không biết mệt mỏi?

- Việc đến thì tôi làm thôi. Thấy việc thì phải làm. Cuộc sống của tôi đơn giản lắm, không đặt quá nhiều mục tiêu. Khi làm đĩa , làm tour diễn là toàn tâm toàn ý tập trung trí lực, thế thôi. Cứ đủ duyên là làm.

Có người nói, giọng hát của chị có thời điểm bớt hay đi, bởi chị phải chạy sô kiếm tiền để lo cho gia đình quá nhiều. Nếu có, đó là giai đoạn nào thưa chị?

- Cũng có chứ, ai cũng thế thôi, có giai đoạn công việc đến nhiều mình nể nang, rồi mình muốn kiếm tiền nữa, làm nhiều mệt hơn có ảnh hưởng đến giọng chứ!

Giọng hát của chị thời điểm này thế nào?

- Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, sống xa Hà Nội, tôi khỏe hơn rất nhiều, mình giữ được cả thần và khí nên giọng hát khỏe hơn nhiều. Có cảm giác hát thoải mái không cần nỗ lực. Nhưng có vấn đề là mình hay quên, năm tới tôi sẽ học thêm tiếng Trung để rèn trí não. Được học gì đó luôn là niềm vui của tôi.

Đó là lý do chị thích... đi dạy, vì "suy bụng ta ra bụng người"?

- Tôi cực kỳ đam mê giáo dục, trước hết là học hỏi không ngừng, tự giáo dục bản thân, rút kinh nghiệm và truyền đam mê cho các con. Tôi cảm thấy bản thân được hoàn thiện thông qua việc giảng dạy, mình học được rất nhiều từ bọn trẻ. Mình cũng cảm thấy vui vì mình kiên nhẫn được với bọn trẻ con.

Trẻ con mỗi đứa có một đặc điểm riêng. Tôi thấy các sản phẩm điện tử bây giờ càng hướng tới cá nhân hóa, thì không có lẽ gì mình lại chỉ dùng một giáo án cho tất cả mọi trò. Người thầy tồi dùng một giáo án cho tất cả. Một người thầy tốt cũng giống như một thợ sửa xe giỏi, biết nhìn ra bộ phận nào hỏng để sửa chữa, làm thế nào để xe chạy được. Những đứa trẻ học không vào, không phải vì nó dốt mà bởi vì kiến thức này không phải thế mạnh của nó, mà nó giỏi thứ khác cơ! Khi mình không còn định kiến phân biệt tròn, méo tức là nhận thức cá nhân đã được nâng tầm.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều chị cảm thấy tự hào nhất là điều gì?

- Tôi chẳng tự hào gì, mà là biết ơn những cơ duyên. Biết ơn những người đã đưa đến cho mình những bài học để mình hoàn thiện bản thân. Vì sao có những người luôn chọn sai, lại có người luôn chọn đúng? Những chuyện xảy ra trong cuộc đời đều là cơ duyên mình đã gieo từ kiếp trước, chẳng phải mình giỏi giang gì đâu.

Nếu kiếp trước mình gieo nhiều nhân lành, thì kiếp này nếu mình làm ra sai lầm, cùng lắm nó chỉ là bài học, nếu thành công cũng không phải quá lớn để kiêu ngạo.

Sư thầy Viên Minh từng giảng: “Đức chúa có nói con hãy lo việc của chúa, việc con để chúa lo”. Cuộc đời quá rộng lớn, duyên đến đâu ta làm đến đấy. Mình chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống này thôi.

Thỉnh thoảng chị lại nhắc đến đạo Phật. Người ta thường tìm đến tôn giáo vào những thời điểm khó khăn, hoặc thời điểm cuộc đời có nhiều câu hỏi, cần một lời giải thích hợp lý, minh triết hơn. Chị tìm đến với đạo khi nào?

- Tôi đến với Đạo từ 15 - 16 năm, từ lần tôi đi chùa Hương và cảm nhận được vẻ đẹp ở đó. Tự dưng duyên đến, mình trở thành Phật tử. Sau này tôi đọc nhiều sách, nghe pháp thoại của thầy Viên Minh, từ đó được khai tâm.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

    Nổi bật
        Mới nhất
        "Chẳng có giai đoạn nào là viên mãn hay vất vả"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO