Chân dung chẳng cần mẫu
Truyện ngắn của Trịnh Sơn
Một họa sỹ chuyên vẽ tranh trừu tượng đặt cho anh cái tên Đạo Sỹ. Ban đầu, bạn bè thi thoảng gọi đùa cho vui. Riết thành quen. Chẳng ai nhớ tên thật của anh nữa. Một ơi cũng Đạo Sỹ. Hai à cũng Đạo Sỹ. Anh chỉ cười hì hì, đầu gật gật, chẳng cãi chẳng rằng. Tên thì khác mà ánh mắt thì vẫn thế. Dại dại. Vô hồn.
Họa sỹ vẽ gì mấy ai hiểu nổi. Họa chăng, hiểu sai. Nhưng, tranh cứ bán ào ào. Giá tăng ực ực. Triển lãm nơi này nơi kia. Thành viên danh dự hội này hè nọ. Còn mở lớp dạy vẽ cho học sinh mẫu giáo. Lũ trẻ theo học rần rật. Chưa học thì vẽ cây ra cây cá ra cá. Học dăm bữa nửa tháng, vẽ cây không giống cây, vẽ cá lại giống người ngoài hành tinh. Thế mới là trừu tượng.
Họa sỹ ra chiều mãn nguyện lắm. Sáng sáng cà phê tán gẫu xong, xách cần đi câu. Mồ côi vợ, câu được cá lớn mấy cũng chẳng biết làm gì. Gọi bạn bè tới nhậu hoài, chán, quẳng luôn cần. Nhưng, nghe đâu có ao lớn hồ sâu cũng tìm đến bằng được. Có hôm, mắc mồi vào lưỡi xong, chẳng buồn thả xuống nước, ngả lưng trên nền đất ẩm đánh giấc tới khi mặt trời đứng bóng mới dụi mắt bật dậy. Lũ kiến đang đánh chén ngon lành mớ trùn câu, giật mình tứ tán. Họa sỹ tàn tàn lên xe rồ ga về. Tạt ngang ao cá Đạo Sỹ.
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Vẽ thứ tranh mấy ai hiểu, nhưng đặt nickname biệt danh cho ai thì rành rành ra đó. Không Đạo Sỹ thì đạo gì nữa? Tóc tai lờm xờm, chưa đầy bốn mươi đã phơn phớt hoe hoe bạc pha đỏ. Râu ria cũng vậy. Quai nón lơ thơ, cũng quành quạch đỏ pha bạc. Màu tự nhiên nhé, không nhuộm. Thời gian đâu mà nhuộm. Thời gian đâu mà nghĩ tới chuyện nhuộm. Có xem “Ỷ Thiên Đồ Long ký” của Kim Dung, sẽ giật mình ngay. Y chang quái nhân Tạ Tốn.
Nhưng, không phải hình dung Tạ Tốn làm nên cái tên Đạo Sỹ. Họa sỹ khẳng định với tôi hàng trăm lần. Một đám bạn câu, một đám bạn nhậu, một đám bạn văn nghệ. Ba thứ bạn ấy nhào nặn chúng tôi thành một nhóm chẳng ra làm sao. Khi người ta mòn mặt với rát rạt cơm áo cuộc sống thì mấy gã đàn ông nhởn nhơ thênh thênh. Đạo Sỹ ít nói nhất. Từng là ông chủ tiếng tăm của làng kinh doanh giải trí. Anh là đầu bếp chính cho mọi cuộc rượu. Từng nấu cho nhà hàng hạng sang, tôm gà cá heo bất cứ con vật nào vào tay anh là thơm phưng phức không chê vào đâu được. Lạ một cái, anh dọn mồi lên rồi chỉ uống rượu suông nhìn bạn bè môi nhẫy mỡ đánh chén. Người mới gặp thì ngại, chứ thân nhau như đám tôi, kệ. Đạo Sỹ no rồi. Ngấm đủ mùi vị nạc mỡ xương gân sống tái chín rồi. Có lần, ngồi riêng, tôi hỏi. Đầu bếp thường no hơi, không ăn nổi thức ăn do mình đổ mồ hôi nấu nướng hả? Anh hì hì. Làm gì có. Tôi tham ăn hơn hết mấy anh nữa kìa. Càng tham càng nghẹn. Nuốt không nổi.
Nuốt không nổi nên đốt rụi rồi vào nhà đá nằm nhấm nháp hả? Tôi lỡ. Nhưng đã há miệng không thể nuốt lời lại được nữa. Đạo Sỹ từng ngồi tù một năm vì tội phóng hỏa, hủy hoại tài sản.
Anh vờ như không để ý cái giật mình hối hận của tôi. Đạo Sỹ vẫn vậy. Từ ngày quen biết, tôi chưa thấy anh giận ai bao giờ. Vậy mà, oán hận gì tới nổi châm lửa đốt trụi cơ ngơi mấy mươi năm của gia đình? Họa sỹ từng dặn tôi, chớ dại mà đào sâu chuyện riêng tư của Đạo Sỹ. Số bước chân anh thoát ra khỏi quá khứ đúng bằng số lần kể quá khứ cho người ta. Bù trừ, người nghe sẽ thế thân lại gần hố đen của anh.
Lại cười hì hì. Tò mò không chịu nổi chứ gì? Cảnh báo của ông họa sỹ càng khiến anh muốn thò câu xuống ao tôi chứ gì? Khoan đã. Đợi tôi làm con chép nấu mẻ lai rai cho ngon miệng. Dạo này, lũ cá khôn ra. Khó câu lắm. Mà, càng khó bắt lại càng ngon. Đời lạ quá hả?
Tôi không tin câu chuyện của Đạo Sỹ có thể ám ảnh mình như lời họa sỹ. Một cốt truyện nhàn nhạt nhỉ? Đời còn nhiều cảnh éo le hơn nữa cơ. Bấy nhiêu mà ăn thua gì. Rượu nồng nồng cá thơm thơm dìu tôi đi nhẹ nhẹ. Đạo Sỹ lâu lâu lại đút thêm củi vào cái bếp chắp vá bằng hai viên gạch một hòn đá công kênh nồi chép nấu mẻ. Ao câu cá giải trí từ lâu đóng cửa, cỏ um um ven bờ. Còn thấy dấu vết cọc sàn những cái chòi thủy tọa rải rác mấp mé nước. Bờ đông của ao có cái cửa thông với con sông Dinh. Gió phần phật. Sông sát biển, nước lên lên xuống xuống theo thủy triều. Chịu khó mỗi ngày mở cửa ao cho nước sông vào, đợi nước xuống thì xả, hứng kê, vài ngày cũng kiếm dư tiền chợ. Đã lâu, cửa ao Đạo Sỹ im ỉm. Miễn tiếp cá tôm.
Ái chà. Đạo Sỹ từng là giám đốc một công ty lớn chứ chẳng đùa. Kinh doanh một chuỗi nhà hàng có tiếng. Anh tu nghiệp bên Tây về, có giải đầu bếp ngoại hạng. Giỏi thì sao chứ? Ăn nên làm ra thì khác người à? Cũng lấy vợ. Cũng sinh con. Nhưng khốn khổ thay, đứa con sinh ra không có mắt. Hoàn toàn không có mắt, theo nghĩa đen.
Vợ anh chết đi sống lại. Hai bên gia đình họ hàng hễ gặp nhau là như đưa đám. Vợ ủ ê, cứ ngồi rảnh lại đấm ngực thình thịch. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Làm thẩm phán, phải xét xử người ta, nhẹ thì dăm ba năm nhà đá, nặng thì chung thân dựa cột. Oan sai ai mà biết. Nhỡ có oan sai tôi cũng đâu có quyền biết. Nay phải trả giá đây mà.
Tự dằn vặt chưa đủ, cứ chạm mặt là ca cẩm. Anh đấy, tại anh đấy. Làm chi cái nghề sát sinh thất đức thế. Đưa bao nhiêu sinh linh lên thớt, thái dày thái mỏng băm nhuyễn rồi ném vào dầu sôi lửa bỏng? Con vật cũng có linh hồn chứ. Tôi kết án có oan sai mấy cũng còn có bản án, cho người ta nói lời cuối cùng, cho phạm nhân cơ hội khoan hồng, dù là nhiều loại khoan hồng. Còn anh, con heo con bò con cá con cua, có con nào anh cho nói lời hấp hối chưa?
Ba tuổi. Thay hơn chục bà bảo mẫu. Lương cao, chế độ chuẩn không cần chỉnh, nhưng người nào vào làm nhiều lắm ba tháng là bỏ của chạy lấy người. Thương thì thương tiếc thì tiếc nhưng họ nằng nặc chối việc. Có cô bảo mẫu khóc ré ngay đêm đầu tiên trông trẻ: Mình mới là không có mắt. Nó có mắt đấy. Mắt sáng lắm. Nhìn thấu cả ngóc ngách toan tính nghĩ suy mình. Thằng bé xanh mướt như tàu lá chuối. Có được ra khỏi phòng hứng ánh mặt trời đâu mà trắng trẻo hồng hào hay rám nắng mỡ mật như con người ta. Nó cũng bi bô. Cũng cười. Cũng khóc. Đeo kính đen vào, che cái sự không có mắt đi, trông cũng đẹp trai phết.
Chồng không thể chịu đựng nổi triền miên oán thán của vợ. Toàn hỏi là hỏi. Câu trả lời duy nhất anh có thể đối đáp với chập chùng chất vấn của vợ là im lặng. Câu trả lời là không có câu trả lời. Lầm lầm lì lì dựng vách tường lạnh ngắt ngăn đôi căn phòng vốn mặn nồng ân ái của cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Có đêm, anh lùi lũi sang nằm với con. Có lúc, mơ mơ màng màng nửa tỉnh nửa mơ, anh thấy thằng bé có mắt. Chỉ một con mắt. Sáng ngời ngời. Sâu thẳm. Không ở vị trí thường thức nhìn ngắm nhắm mở như bao loài động vật. Con mắt bừng bừng rưng rức giữa cái lưỡi hồng hồng trẻ con. Cứ mỗi lần thằng bé ê a gọi ba ba má má, con mắt lại giương lên. Ngác ngác. Ngơ ngơ.
Tha cho ba, con ơi. Đừng nhìn ba như thế. Đừng gọi ba bằng lưỡi có mắt nữa.
Nhớ con, nhưng anh không dám về nhà nhiều. Nhà hàng bên ao cá chỉ còn thằng bé và những phiên bảo mẫu. Vợ bỏ đi suốt. Không chùa chiền thì chợ búa. Chùa chiền yên tĩnh bỗng có sức lay động tâm hồn ê ẩm con người ta, làm cho nó đang mục rữa bết bát bần bật ngân lên. Còn chợ búa ngỡ như ồn ào phức tạp thì lại nghèn nghẹn rấm rứt, chặn ngay những tiếng nấc đầu tiên chưa kịp phát ra khỏi cổ họng. Người không có mắt được thì chùa vắng phật chợ thiếu ma là chuyện thường ngày ở huyện, giúp nguôi ngoai nỗi mặc cảm riêng tư.
Một tối. Xe lạ đậu trước sân. Anh lặng lẽ thả từng bước vào nhà. Đèn tối om om. Đẩy cửa phòng ngủ, anh đứng chết trân. Một đôi giày lạ ngay bên chân giường. Những tiếng rên rỉ cũng lạ lẫm vô cùng. Vợ nhỏm dậy, quơ vội tấm chăn đắp kín hai thân thể trần trụi. Càng kéo, chăn càng hụt. Người ta có thể che giấu mọi thứ, trừ ánh mắt đã lên men.
Anh bước ra. Có khác gì một người lạ. Phòng con trai bừa bộn những mảnh ghép hình. Bộ trò chơi con nít này anh mua hôm thôi nôi thằng bé. Vợ đã nguýt dài rằng nó có mắt đâu mà lắp với ghép.
Mùi nước đái ngây ngấy tươi. Thằng bé đâu?
Đèn điện choang choang. Anh lục lọi như điên. Trong nhà ngoài ngõ không còn xó xỉnh nào. Cứ để nguyên áo xống, anh lao xuống ao. Lũ cá được nuôi nấng bằng thực phẩm và tiếng kẻng dạn người, thi thoảng cọ rúc vào thịt da nhồn nhột lạnh ngắt. Ai mở cửa ao? Con nước đang lên. Sau khi đã trút hết, phải lên. Lềnh bềnh cặn bã dập dềnh. Đứa bé ở đâu? Anh gào. Anh thét. Anh mò. Anh tìm. Chiếc xe lạ pha đèn sáng trưng ra khỏi cổng. Tiếng máy xe đời mới êm ru lao ra khỏi ga ra. Êm hơn tiếng gió len qua hàng dừa nước bờ ao.
Anh mò. Anh tìm. Anh gào. Anh thét. Vẫn chẳng thấy bóng đứa con không mắt. Suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày đêm lao lý. Vẫn chẳng thể tìm lại khuôn mặt đứa bé. Ngay cái đêm ướt sũng nước ao lẫn nước sông, người đàn ông từng là doanh nhân thành đạt tài ba phóng hỏa căn nhà của mình. Mang lửa gieo khắp các gian quán xá. Từng cụm lửa vàng rượm bén gió sông rào rào, tàn đốm tung tóe cả vùng trời. Ánh sáng chẳng thể soi thấy thằng con. Soi rõ ánh mắt trào trạo nghẹn khô của anh khi công an bập còng vào tay.
Ai cũng bảo đứa bé đã lộn cổ xuống ao rồi theo con nước xuống trôi ra sông khi mẹ nó đang bận bịu ngược dòng với gã khách lạ. Phải lập bàn thờ cho nó. Phải nhang khói cho linh hồn thanh thoát bất hạnh mau siêu thoát. Họa sỹ bật cười khi anh nhờ vẽ cho thằng con một tấm chân dung. Hóa ra, từ ngày ra đời, đứa bé chưa hề một lần được chụp ảnh. Họa sỹ tặc lưỡi:
- Nó không là thánh thì cũng đã làm thánh rồi. Chưa từng chứng kiến bất cứ sự ô uế thế gian nào. Không để lại dấu tích gì ở đời này. Còn ai bằng? Thờ cúng nhang đèn mà làm gì? Ảnh iếc chân dung vô ích.
Nói gì thì nói, họa sỹ không thể từ chối khẩn cầu của người cha muốn vẽ lại con mình. Ừ, muốn vẽ thì vẽ. Chỉ non tháng. Đây, con anh đây. Trông có giống không?
Ông trời mới biết họa sỹ vẽ có giống không. Tôi theo Đạo Sỹ vào nhà. Gạch ngói vôi vữa lem nhem tân trang sau trận cháy.
Không chỉ một mà có đến bốn bức vẽ treo bốn bức tường phòng khách.
Mũi thường thường. Miệng thường thường. Cằm thường thường. Bốn khuôn mặt không mắt từ bốn góc nhìn trên xuống, dưới lên, phải qua, trái lại. Chung chung. Quen quen. Lạ lạ.
Tôi lùi khỏi cửa. Đạo Sỹ còn nán lại. Tay nhang tay lửa. Ngùi ngùi.
***
Họa sỹ bảo, ông chẳng cần mẫu.
Họa sỹ còn bảo, ông là người đầu tiên đến nhà Đạo Sỹ sau khi anh ra tù. Kéo theo bạn đến. Một văn sỹ viết lách làng nhàng nhưng luôn nghĩ mình sẽ đạt Nobel nếu gặp thời. Một thi sỹ mỗi năm sòn sòn đẻ một tập thơ đề tặng một bóng hồng nào đấy. Một gã khụng khiệng bỏ nghề giáo, suốt ngày chửi trường bới chợ, tự xưng chí sỹ.
Vợ Đạo Sỹ thi thoảng ghé về. Đòi chồng chia vốn liếng ngày trước. Nghe đâu, Đạo Sỹ giàu lắm. Chuỗi nhà hàng khách sạn chỉ là váng vất. Chưa xảy ra sự cố năm nào, Đạo Sỹ từng buôn mọi thứ có thể buôn.
Tôi đặt bút viết câu chuyện này khi nghe tin ở thành phố lân cận nọ, có một vị sư trẻ mới nổi. Như cồn. Dân chúng lăn theo ngày càng đông. Ăn cơm người nói chuyện trời. Không cần nhìn ai. Và chưa ai thấy mắt của ông.