Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020)

Chân dung ánh sáng

- Thứ Hai, 18/05/2020, 07:33 - Chia sẻ
Vượt qua rào cản ngôn ngữ, các hình ảnh, hiện vật đang giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như tiếng lòng của nhiều người dân trong nước và quốc tế đối với Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Bức "Chân dung Ánh sáng năm 1946", do nhiếp ảnh gia người Pháp Laure AlbinGuilliot chụp

Ánh sáng dịu dàng và tinh tế

Ngày 31.5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Paris thực hiện chuyến thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách theo lời mời của Chính phủ Pháp. Trong bối cảnh thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa, tách Nam bộ ra khỏi Tổ quốc, Người đã đến Pháp với quyết tâm cao độ giữ vững nền độc lập dân tộc vừa mới giành được và thiện chí vì tương lai bình đẳng, tốt đẹp trong quan hệ Việt - Pháp. Suốt 4 tháng ở Pháp, Người tiến hành vận động hành lang, tăng cường các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, để tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào, nhân dân Pháp và bạn bè quốc tế.

Trong khoảng thời gian này, nhiếp ảnh gia người Pháp Laure Albin Guilliot (1897 - 1962) đã chụp bức “Chân dung Ánh sáng năm 1946”. Giới trong nghề nhận định, bức ảnh đã nắm bắt được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như lời kể của một phóng viên từng được Người tiếp đón trong thời gian ở Pháp, đăng trên Báo Tự do (La Liberté), số ra ngày 26.7.1946: “Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới tiếp tôi một cách rất giản dị, cử chỉ của Cụ bao giờ cũng giản dị như vậy. Cụ là một người đã có tuổi. Cặp mắt rất tinh anh và hiền hậu, nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết, bộ râu đen làm cho diện mạo Cụ thêm vẻ Á Đông. Cụ mặc bộ quân phục, không trang sức gì cả. Giọng nói rõ ràng, minh bạch nhưng không chau chuốt, không kiểu cách. Cụ vững vàng nâng trên vai cả vận mệnh dân tộc mà Cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó”.

Bức “Chân dung Ánh sáng năm 1946” sau đó được in thành nhiều bản để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ký tặng kiều bào và khách mời trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Một trong số đó là danh họa Lê Phổ, Phó Hội trưởng Hội Việt kiều tại Pháp, trên bức chân dung Người có lời đề “Tặng chú Lê Phổ, chào thân ái! Tháng 8.1946”. Những nét chữ chân phương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề tặng nơi bức chân dung như trải lòng với không chỉ riêng danh họa Lê Phổ mà còn ẩn chứa tình cảm của Người với bà con xa xứ lúc đó ở Paris và trên cả đất Pháp.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Mai, không khó khăn khi L.A.Guilliot chụp chân dung một người làm báo và từng làm các công việc về ảnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhưng nắm bắt được thần thái một chân dung của tương lai như Bác Hồ lúc đó luôn là thử thách với bất kỳ tay máy nào. Đó là lý do L.A.Guilliot đã thực hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nhất với hai góc độ và bức Người tặng danh họa Lê Phổ là một trong số đó. Sau thử thách của thời gian, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với ánh sáng dịu dàng và tinh tế, đã đủ trở thành niềm tự hào của nhiếp ảnh gia L.A.Guilliot.

Biểu tượng niềm tin chốn ngục tù

Cùng với nhiều hình ảnh, hiện vật được giới thiệu dịp này tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo những năm 1940 với câu chuyện lý thú sau đó được đánh giá là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất, ngời sáng nhất về người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hồ Chí Minh.

Theo lời kể của bà Phạm Thị Thanh Mai, giám ngục Paul Antoine Miniconi được cử sang Việt Nam làm việc tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 - 1952. Ông được giao giữ chìa khóa các khám banh, canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân. Trong khi làm việc, nhận thấy dấu hiệu bất thường từ những người tù, khi cho kiểm tra một phòng giam, ông đã thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng, tôn thờ.

Bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các chiến sĩ cộng sản bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp, mang theo ra Côn Đảo. Họ xem bức tượng ấy là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao trong cuộc tranh đấu giữ vững khí tiết người cộng sản; trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong các buổi chào cờ bí mật, kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ... Hiểu được những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp ấy, ông Paul Antoine Miniconi đã quyết định giữ bức tượng như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo. Sau khi hết hạn công tác tại Việt Nam, năm 1952 ông trở về sinh sống và làm việc tại đảo Corse quê hương. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho con trai Paul Miniconi, người từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo thế kỷ trước.

Ngày 1.12.2019, ông Paul Miniconi cùng nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản và phát huy giá trị bức tượng. “Một điều hết sức thú vị và trùng hợp, Đại sứ Nguyễn Thiệp, người tiếp nhận bức tượng từ ông Paul Miniconi lại chính là con trai người tù cộng sản từng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục tại đây. Với ông Paul Miniconi, việc trao lại bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha thân yêu trước lúc qua đời”, bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết.

Hương Sen