Quốc phòng - An ninh

Chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm giao thông

Nguyễn Ngân 06/05/2025 15:28

Tình trạng vi phạm luật giao thông của học sinh hiện nay đang là vấn đề nóng của xã hội. Hình ảnh những nhóm học sinh phóng xe máy với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn dàn hàng ngang trên đường đã trở nên quá quen thuộc. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông chung.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn

Tháng 10/2024, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai tháng cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Trong quý I năm 2025, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện xử lý 2.289 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 1.964 trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, 470 trường hợp không đủ điều kiện điều khiển, xử lý 173 chủ xe giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.

fb1f2bf72e199c47c508.jpg
Không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe máy, xe điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở ba chở bốn... tại các cổng trường.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, tại cổng các trường học trên địa bàn Hà Nội đa số học sinh và phụ huynh đã chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tại cổng các trường THPT không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe máy, xe điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở ba chở bốn, lạng lách đánh võng hoặc đi ngược chiều bất chấp hiểm nguy; thậm chí một số trường hợp phụ huynh chở con phía sau cũng không đội mũ bảo hiểm.

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 Trung tá Đặng Hồng Giang cho biết, học sinh là một trong những nhóm vi phạm giao thông tương đối đặc biệt. Hầu hết các em vẫn còn nhận thức rất hạn chế về luật giao thông như độ tuổi được phép điều khiển xe trên 50 cm3 cũng như các định nghĩa khác khi lưu thông tin trên đường. Thêm vào đó, việc cha mẹ thiếu sự giám sát, chiều theo ý muốn của các con dẫn tình trạng học sinh vi phạm vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông. “Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến học sinh đã xảy ra mang đến đau đớn cho gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội. Chính bởi vậy, để thực sự tạo lập môi trường giao thông an toàn cho nhóm tuổi này, rất cần thiết phối hợp tích cực từ phía nhà trường, gia đình” Trung tá Đặng Hồng Giang nhấn mạnh.

Thay đổi từ nhận thức

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định rõ ràng việc chấp hành Luật Giao thông sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Nghị định quy định trách nhiệm của trường trong việc tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: Học sinh không điều khiển xe môtô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho học sinh.

screenshot-2025-04-03-180431-26868229311396138937970.png
Trong quý I năm 2025, Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện xử lý 2.289 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Cô Đặng Thị Hương Giang, giáo viên Trường THPT Lương Văn Can (Hà Nội) cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xử lý mà quan trọng hơn là thay đổi ý thức của các em. “Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp học sinh bị xử lý nhiều lần vì vi phạm giao thông nhưng các em không sợ và vẫn tái phạm. Nguyên nhân chính là do các em chưa có ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông, từ đó dẫn đến hành vi vi phạm. Vì vậy, tôi nghĩ thay đổi ý thức chính là giải pháp cốt lõi, khi các em có ý thức tốt, sẽ có hành động đúng đắn, thậm chí ngăn chặn vi phạm của bạn bè” Cô Đặng Thị Hương Giang chia sẻ .

Để làm được điều này, nhà trường và phụ huynh là yếu tố quan trọng, giữ vai trò quyết định trong việc giáo dục, nâng cao ý thức của học sinh, con em mình. Nhà trường cần tích cực lồng ghép kiến thức về an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy, tổ chức các buổi tuyên truyền, ngoại khóa sinh động nhằm giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình ngay từ những hành vi nhỏ nhất. Đặc biệt, mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô cần là tấm gương sáng trong việc chấp hành luật giao thông để các em học tập và noi theo.

Cùng với đó, nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, thời gian tới Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên công tác tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, lập biên bản xử phạt hành chính đối với các em học sinh vi phạm, đồng thời gửi thông báo đến nhà trường và mời phụ huynh lên làm việc để xác minh, xử phạt người giao xe cho học sinh đi học. Qua đó, sẽ tạo sự răn đe và nâng cao ý thức đối với học sinh cũng như phụ huynh của các em.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm giao thông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO