Người mắc chứng chán ăn tâm thần có xu hướng cố tình hạn chế, giảm bớt các bữa ăn do chứng rối loạn sức khỏe tinh thần nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng. Những bất ổn về cảm xúc, ám ảnh và nỗi sợ hãi quá mức về việc tăng cân có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn.
Chán ăn tâm thần có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau thuộc bất kỳ giới tính nào. Nhưng thường xuất hiện trong độ tuổi thiếu niên hoặc những năm đầu sau tuổi trưởng thành. Nếu được điều trị đúng cách, chứng kén ăn tâm thần có thể biến mất.
Thống kê cho thấy, phụ nữ mắc chứng chán ăn nhiều gấp 10 lần nam giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chứng rối loạn này đến nam giới nghiêm trọng hơn nữ giới rất nhiều. Lý do là vì nam giới thường được chẩn đoán muộn hơn do chủ quan hoặc lầm tưởng rằng bệnh không ảnh hưởng đến họ.
Chán ăn tâm thần là gì?
Khác với chán ăn thông thường, chán ăn tâm thần là một chứng rối loạn ăn uống, bệnh nhân cố tình hạn chế lượng thức ăn để cố gắng giảm cân hoặc tránh tăng cân.
Người mắc chứng chán ăn tâm thần thường sẽ rất sợ tăng cân, ngay cả khi họ có trọng lượng cơ thể đang ở mức thấp đến nghiêm trọng.
Triệu chứng của chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần có các biểu hiện và biến chứng phức tạp. Dấu hiệu chính là cân nặng giảm đáng kể hoặc trọng lượng cơ thể thấp.
Việc thiếu chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng thể chất suy giảm, bao gồm: mất khối lượng cơ nghiêm trọng, mệt mỏi hoặc kiệt sức, huyết áp thấp, nhiệt độ cơ thể thấp, đầy bụng hoặc đau bụng, da khô, phù nề, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, mật độ xương giảm, móng tay dễ gãy, táo bón, xuất hiện rậm lông nhẹ hoặc lông tơ, nhịp tim không đều hoặc bất thường, hôi miệng và sâu răng ở những người nôn mửa thường xuyên.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần thường có xu hướng: hạn chế lượng thức ăn tổng thể hoặc phạm vi thực phẩm họ tiêu thụ, thể hiện sự quan tâm quá mức đến cân nặng, kích thước cơ thể, chế độ ăn kiêng, lượng calo và thứ tự sử dụng thực phẩm, tập thể dục quá mức, uống thuốc nhuận tràng hoặc gây nôn, có dấu hiệu trầm cảm.
Nguyên nhân chán ăn tâm thần
Một số yếu tố nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển chứng chán ăn tâm thần như:
- Những lời chỉ trích trong quá khứ về thói quen ăn uống, cân nặng hoặc hình dáng cơ thể của họ
- Tiền sử bị trêu chọc hoặc bắt nạt, đặc biệt là về cân nặng hoặc hình dáng cơ thể
- Áp lực từ xã hội hoặc nghề nghiệp về việc phải trở nên mảnh mai
- Có xu hướng ám ảnh hoặc theo chủ nghĩa hoàn hảo
- Lạm dụng tình dục
- Tiền sử ăn kiêng
- Áp lực phải phù hợp với các chuẩn mực văn hóa khác
Yếu tố sinh học và di truyền cũng có ảnh hưởng đến chứng chán ăn tâm thần. Một người có thể sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn nếu một người thân trong gia đình đã trải qua những chứng rối loạn tương tự. Đặc biệt là những bệnh nhân có người thân trong gia đình có tiền sử bị trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác hay mắc bệnh tiểu đường loại 1.
Điều trị và phục hồi
Bệnh nhân sẽ cần một chuyên gia chăm sóc sức khỏe để lập một kế hoạch toàn diện giải quyết các nhu cầu cụ thể của từng cá nhân. Nội dung điều trị sẽ cần đến một nhóm các chuyên gia để giúp người bệnh vượt qua những thách thức về thể chất, cảm xúc, xã hội và tâm lý mà họ phải đối mặt.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Tư vấn gia đình và cá nhân
- Liệu pháp dinh dưỡng
- Thuốc điều trị trầm cảm và lo âu
- Điều trị tại bệnh viện, trong một số trường hợp
Người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể gặp khó khăn khi tham gia điều trị và khiến quá trình phục hồi bị dao động. Tình huống tái phát có thể xảy ra, đặc biệt là trong 2 năm đầu điều trị.
Các biến chứng của bệnh chán ăn tâm thần có thể ảnh hưởng đến mọi hệ thống cơ thể như tim mạch, nội tiết, tiêu hoá, xương và gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Ngoài những ảnh hưởng về thể chất do dinh dưỡng kém, người bệnh chán ăn tâm thần có thể mắc trầm cảm gây tăng nguy cơ tự tử ở bệnh nhân.
Vì lý do này, chẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết.
Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Để sống chung với chứng chán ăn tâm thần, các chuyên gia có đưa ra những lời khuyên như hãy tử tế và tôn trọng hơn là phán xét, hãy đảm bảo người bệnh nhận được tất cả sự tư vấn và hỗ trợ cần thiết.
(Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)