Chậm vì chờ bản đồ số hóa

Bảo Hân 27/09/2017 07:13

Theo kế hoạch gia hạn của TP Hà Nội, đến 31.12.2017, huyện Ba Vì phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân, song đến thời điểm này, huyện vẫn còn tới hơn 30% (khoảng 3.000 thửa đất) chưa được cấp giấy. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này là do huyện chưa có bản đồ địa chính số hóa…

Chênh lệch nhiều

Huyện Ba Vì có 31 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 xã miền núi và nhiều nông - lâm trường. Với địa bàn rộng, diện tích đất tự nhiên lớn, một trong những căn cứ và quy định bắt buộc để cấp GCNQSDĐ là phải dựa vào bàn đồ địa chính số hóa, trong khi hiện nay, huyện chỉ có bản đồ 299, được đo vẽ từ những năm 1980 - 1986. So với bản đồ này, diện tích các thửa đất có sự chênh lệch rất nhiều khiến chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã miền núi như Ba Trại, Tản Lĩnh… gặp nhiều trở ngại, đồng thời là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp GCNQSDĐ.

Đơn cử tại Ba Trại - một trong những xã có tỷ lệ hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ lớn nhất huyện Ba Vì (chiếm khoảng 40%), thời gian qua, trên cơ sở rà soát và phân nhóm các loại đất, thời điểm sử dụng để tiến hành lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, trên địa bàn xã còn 1.925 thửa chưa được cấp giấy. Trong đó, gần 800 thửa đất thổ cư có thể hiện trên bản đồ 299; 1.125 thửa đất các hộ khai hoang để ở và trồng cây lâu năm (sau thời điểm đo đạc bản đồ 299). Tuy vậy, vấn đề đặt ra là nếu theo bản đồ 299, hầu hết các thửa đất đều bị sai lệch, vì quá trình sử dụng đã hơn 30 năm, 100% các thửa đất đã biến động về ranh giới, diện tích... Hiện trạng các thửa đất sau khi đo đạc đều tăng diện tích so với bản đồ từ vài trăm đến vài nghìn mét vuông. Đơn cử, gia đình ông Đinh Công Xin (thôn 9), trên bản đồ 299, thửa đất của gia đình ông có diện tích 1.672m2, nhưng hiện nay đã lên tới hơn 6.000m2.

Ảnh: Bảo Hân
Ảnh: Bảo Hân

Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Văn Dần cho biết, những thửa đất của các gia đình có diện tích thực tế tăng so với bản đồ đều đang sử dụng ổn định, có ranh giới rõ ràng, không tranh chấp với hộ giáp ranh, không lấn chiếm đất công. Mặt khác, nhiều hộ sử dụng đất ở và trồng cây lâu năm trước khi đo vẽ bản đồ 299, nhưng không được giải thửa đưa về chính chủ, mà ghi là đất hoang, đất đồi, đất lúa, màu; nhiều thửa đất sai tên chủ sử dụng, hoặc không ghi tên chủ sử dụng; thậm chí nhiều thửa đất chưa có trong bản đồ… Trong khi đó, theo quy định để cấp GCNQSDĐ phải căn cứ vào bản đồ địa chính số hóa nên địa phương đang bế tắc, chưa biết giải quyết ra sao…

Sớm tháo gỡ

Bày tỏ về vấn đề này, ông Đinh Công Xin - một trong hàng nghìn hộ dân của xã Ba Trại chưa được cấp GCNQSDĐ cho biết: Cha, ông chúng tôi là những người đầu tiên khai hoang vùng đất này, minh chứng là tên các cụ đều được lưu trong lịch sử Đảng của xã. Dòng tộc họ Đinh đã an cư lạc nghiệp ở đây đến nay đã là đời thứ 11. Thời xưa, đất đai nhiều, người ta có thể cho nhau hàng nghìn mét vuông, không cần giấy tờ. Còn ngày nay, mọi căn cứ đều phải dựa vào giấy tờ, sổ sách, nếu đất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì sẽ bị thua thiệt đủ đường: Không có GCNQSDĐ nghĩa là không được khẳng định chủ quyền, đồng nghĩa với việc không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế… Ông Xin cho biết thêm, không ít các hộ gia đình ở Ba Trại hiện nay chưa có GCNQSDĐ, trong khi đó nhiều trường hợp cha mẹ đã già yếu, muốn cho con cái đất, vườn, nhưng cũng không biết làm cách nào vì thực tế diện tích đất của gia đình sai lệch nhiều so với bản đồ 299 nên không thể làm GCNQSDĐ.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết: Theo kế hoạch gia hạn của TP, đến 31.12.2017 huyện phải cấp xong GCNQSDĐ cho dân. Tuy nhiên, đến nay mới cấp được khoảng 70%, còn lại 30% (3.000 thửa đất) chưa được cấp. Số này hầu hết là đất khai hoang, hoặc có sự sai lệch so với bản đồ 299. Trong khi đó, huyện Ba Vì chưa có bản đồ địa chính số hóa (do chưa thực hiện đo vẽ xong), mọi căn cứ để cấp GCNQSDĐ hiện nay đều phải căn cứ theo bản đồ 299. Một nguyên nhân nữa là nhiều trường hợp do lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, có biến động về sử dụng đất… Những nguyên nhân này khiến công tác thiết lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ của huyện gặp nhiều khó khăn, chưa chắc đến cuối năm có thể hoàn thành.

Để tháo gỡ khó khăn này, huyện đã kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành công tác đo đạc bản đồ và lập hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện. Đối với các thửa đất có trong bản đồ 299 chưa được cấp GCNQSDĐ mà có sự sai lệch, chúng tôi khuyến khích các chủ hộ thuê đo đạc để có con số chính xác làm căn cứ hoàn thiện hộ sơ cấp GCNQSDĐ. Bởi theo dự kiến, đến hết năm 2018 huyện Ba Vì mới hoàn thành việc đo đạc diện tích, khi đó mới có bản đồ địa chính số hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chậm vì chờ bản đồ số hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO