Chậm triển khai do không muốn!

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:20 - Chia sẻ
Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử thì từ ngày 1.3.2019, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án, sổ khám bệnh giấy. Thế nhưng thực tế, có rất ít cơ sở thực hiện. Việc đầu tiên của mỗi người khi đến bệnh viện vẫn là mua sổ khám...

Lợi ích của bệnh án điện tử đã quá rõ: Giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh; góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh; giúp ngành y tế có dữ liệu sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó còn góp phần tích cực trong chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân... Đáng tiếc, có vẻ như từng đó lợi ích chưa đủ để thuyết phục, để hấp dẫn các cơ sở khám chữa bệnh.

Còn nhớ tại Lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 do Bộ Y tế tổ chức diễn ra vào cuối tháng 6.2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhấn mạnh: Chậm nhất đến ngày 31.12.2020 phải bỏ toàn bộ y bạ giấy. Đây không chỉ đơn thuần là bỏ sổ y bạ giấy bởi mỗi lần đi khám, người dân lại mua cuốn sổ khám bệnh mới, mỗi năm tốn bạc tỷ tiền in mà quan trọng là không có lợi ích cho người dân. Chúng ta đã lập được trên 90 triệu hồ sơ điện tử, bây giờ phải triển khai đến tất cả xã, phường để mọi thông tin khám, chữa bệnh của người dân được kích hoạt, phục vụ khám, chữa bệnh. Mục đích cuối cùng của ứng dụng công nghệ và đầu tư xây dựng dịch vụ công trực tuyến không phải làm công nghệ thông tin mà là để minh bạch, công khai với người dân. Minh bạch sẽ thấy cái gì bất cập, cái gì không tốt cho dân... Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng tiếc, nửa năm sau, những cuốn sổ khám bệnh vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ. Lý do, có thể như ý kiến của Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường là các bệnh viện không làm, không chịu triển khai, lãnh đạo bệnh viện không kiên quyết. Làm thì phải có tiền, không cho bệnh viện thu tiền của người bệnh mà bệnh viện phải tự bỏ tiền ra làm thì họ không muốn làm, bán quyển sổ vài nghìn cũng là tiền.

Ông Tường cũng nhấn mạnh thêm rằng, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản liên quan, cũng đã chỉ đạo nhưng các đơn vị cố tình lờ đi vì liên quan đến kinh phí đầu tư, liên quan đến chuyện thu tiền của bệnh nhân. Bệnh viện phải bỏ kinh phí ra đầu tư phần mềm, đầu tư hệ thống nhưng lại chưa có cơ chế giá, nếu thu tiền của người dân để làm thì người dân sẽ "kêu". Cái khó là như vậy, nên theo ông Tường, điểm mấu chốt vẫn là cơ chế tài chính và sự quan tâm của lãnh đạo các bệnh viện.

Thực tế, dù mới chỉ được áp dụng ở số ít bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nhưng bệnh án điện tử đã mang lại thay đổi tích cực, giúp người bệnh thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh. Nhưng để đạt mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và được liên thông ở tất cả các tuyến y tế, vẫn còn nhiều việc phải làm, mà một trong số đó là phải có cơ chế, chế tài phù hợp nhằm "thuyết phục" lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.

Linh Trang