Chăm sóc người cao tuổi ở Australia: Luật mới, khủng hoảng cũ và kỳ vọng đổi thay
Với hàng loạt cải cách hệ thống chăm sóc người cao tuổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, cùng với cuộc khủng hoảng nhà ở và nguy cơ nghèo đói ở người già, Australia đứng trước một loạt thách thức đòi hỏi hành động nhanh chóng và quyết liệt.

Theo The Senior, dưới đây là 6 ưu tiên cấp bách được kỳ vọng sẽ định hình chính sách và tác động sâu rộng đến đời sống hàng triệu người cao tuổi tại Australia trong thời gian tới.
Luật Chăm sóc người cao tuổi mới
Luật Chăm sóc người cao tuổi và chương trình “Hỗ trợ tại nhà” là hai cải cách lớn sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 tới. Với mục tiêu đặt người cao tuổi làm trung tâm của dịch vụ chăm sóc, luật mới không chỉ mang lại sự lựa chọn cá nhân cao hơn cho người thụ hưởng, mà còn đưa ra các chế tài nghiêm ngặt đối với các nhà cung cấp dịch vụ và nhân viên không tuân thủ nghĩa vụ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các nhà cung cấp hiện chưa có đủ thời gian để thực hiện những thay đổi mang tính toàn diện. Ông Tom Symondson, đại diện tổ chức Ageing Australia, nhấn mạnh: “Cần thời gian để đào tạo lại nhân viên, cập nhật hệ thống công nghệ thông tin, và thậm chí một số quy định trong luật vẫn chưa được hoàn tất”.
Ngoài ra, chi phí phát sinh từ các dịch vụ chăm sóc tại nhà - đặc biệt đối với các dịch vụ không mang tính y tế như tắm rửa, vệ sinh cá nhân - cũng là mối lo lớn. Theo chương trình mới, người thụ hưởng sẽ phải trả một phần chi phí, điều này có thể khiến nhiều người từ bỏ dịch vụ và gây thêm áp lực lên hệ thống chăm sóc nội trú.
Ứng phó với khủng hoảng nhà ở
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, vấn đề nhà ở - đặc biệt là với phụ nữ lớn tuổi - đang nổi lên như một khủng hoảng chưa từng có. Theo bà Patricia Sparrow, Giám đốc điều hành Hội đồng Người cao tuổi Australia (COTA), có tới 500.000 phụ nữ lớn tuổi đang đứng trước nguy cơ vô gia cư.
Một nghiên cứu của tổ chức Anglicare cho thấy chỉ có 0,3% nhà ở tại Australia là phù hợp với mức thu nhập của một người độc thân sống bằng lương hưu. Giám đốc điều hành Anglicare, bà Kasy Chambers, cảnh báo rằng Australia đang thiếu 640.000 căn nhà xã hội hoặc nhà ở giá rẻ.
Việc giải quyết vấn đề nhà ở không chỉ là về xây dựng thêm - mà còn cần cải cách chính sách hỗ trợ thuê nhà và phân phối nguồn lực công bằng hơn cho người cao tuổi.
Tăng thu nhập mà không ảnh hưởng đến lương hưu
Nhiều tổ chức vận động đang kêu gọi Chính phủ cho phép người cao tuổi kiếm thêm thu nhập mà không bị cắt giảm lương hưu. Theo ông Chris Grice, Giám đốc điều hành của National Seniors, điều này không chỉ giúp cải thiện an ninh tài chính của người già mà còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.
Một trong những đề xuất nổi bật là loại bỏ hệ thống “thưởng công việc” (work bonus) - vốn quy định giới hạn thu nhập trước khi ảnh hưởng đến lương hưu - và thay thế bằng cơ chế thuế công bằng hơn đối với thu nhập bổ sung.
Ngoài ra, cả COTA và National Seniors đều kêu gọi Chính phủ gia hạn việc đóng băng “tỷ lệ giả định” (deeming rate) - một cơ chế tính thu nhập từ tài sản để xác định mức trợ cấp. Việc kết thúc đóng băng này trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao có thể khiến người cao tuổi mất thêm từ 3000 đến 3500 AUD mỗi năm.
Thiết lập chương trình trợ cấp nha khoa
Sức khỏe răng miệng là lĩnh vực bị bỏ quên trong chính sách chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, rất nhiều người già buộc phải trì hoãn hoặc bỏ qua việc điều trị nha khoa vì chi phí quá cao. Một nghiên cứu từ Hiệp hội Nha khoa Australia (ADA) với 25.000 người cho thấy, 55% người trên 65 tuổi đã trì hoãn điều trị răng miệng, với khoảng 2/3 trong số đó viện dẫn lý do tài chính.
ADA và COTA đã đề xuất xây dựng chương trình trợ cấp nha khoa cho người cao tuổi, tương tự như chương trình dành cho trẻ em, với khoản trợ cấp trên 1000 AUD mỗi hai năm cho những người có thẻ y tế hoặc lương hưu.
“Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều ca nhập viện do các bệnh nha khoa hoàn toàn có thể điều trị được từ sớm,” Chủ tịch ADA, ông Chris Sanzaro, nói.
Thu hẹp khoảng cách số
Trong một xã hội ngày càng số hóa, người cao tuổi lại là nhóm dễ bị bỏ lại phía sau nhất. Nhiều người không đủ khả năng chi trả cho các gói cước internet đắt đỏ, vốn bao gồm các dịch vụ mà họ không cần hoặc không biết sử dụng.
COTA đã đề xuất một gói internet giá rẻ dành riêng cho người già, cùng với việc cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng số do chính người cao tuổi hướng dẫn lẫn nhau.
“Chúng tôi không chỉ muốn giúp người già biết cách sử dụng internet, mà còn muốn họ tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng,” bà Sparrow cho biết.
Xây dựng hệ thống bền vững lâu dài
Tất cả những thách thức nêu trên đều liên quan chặt chẽ đến mục tiêu lớn hơn: xây dựng hệ thống chăm sóc người già bền vững trong dài hạn.
Báo cáo Liên Thế hệ năm 2023 của Chính phủ đã cảnh báo rằng dân số Australia đang già hóa nhanh chóng, đồng nghĩa với việc nhu cầu về dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và nhà ở sẽ tăng mạnh trong 40 năm tới.
Để thích nghi, hệ thống phải không chỉ linh hoạt và lấy người dùng làm trung tâm, mà còn phải được đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, nhân lực, và đặc biệt là tài chính.
Đối mặt với danh sách dài các thách thức - từ luật mới, nhà ở, tài chính, đến nha khoa và công nghệ - Bộ trưởng Sam Rae sẽ cần thể hiện khả năng lãnh đạo, phối hợp liên ngành và thấu hiểu cộng đồng người cao tuổi để bảo đảm họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi. Theo các nhà quan sát, với dân số đang già hóa nhanh chóng và hệ thống hiện tại chịu nhiều áp lực, hành động hiệu quả hôm nay chính là bảo đảm cho đất nước chuột túi công bằng và nhân ái hơn trong tương lai.