Chăm sóc người cao tuổi

- Thứ Bảy, 19/12/2020, 06:32 - Chia sẻ
ĐBQH Đỗ Tất Thế (Hà Nam)

Được xếp vào nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Việt Nam có số người cao tuổi chiếm gần 17% dân số cả nước, dự báo đến năm 2035 là 20%, năm 2050 tăng lên 25%.

Già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách có liên quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe, sống tốt.

Trong số hơn 10 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Một số người cao tuổi chưa được chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mô hình gia đình có sự thay đổi, chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, ngày càng nhiều người cao tuổi không sống chung với con cháu. Một bộ phận người cao tuổi sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn, điều kiện vật chất eo hẹp khi sức khỏe suy giảm, bệnh tật gia tăng theo độ tuổi.

Hiện đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều, và vẫn còn rào cản trong việc ra đời các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân và tổ chức thành lập.

Mặt khác, tốc độ già hóa dân số gia tăng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sỹ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi... Thực tế cho thấy, hệ thống nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ thiếu nhân lực, cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập luyện, phục hồi chức năng. Đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất, y tế bảo đảm nhưng không phải người cao tuổi nào cũng có điều kiện để vào ở đó.

Tại các địa phương, người cao tuổi luôn là trụ cột gia đình, dòng họ. Tiếng nói của người cao tuổi có trọng lượng trong cộng đồng. Người cao tuổi là tấm gương để con cháu học tập, noi theo. Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đều có sự đóng góp lớn về trí tuệ, tinh thần của các thế hệ người cao tuổi.

Thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị và gia đình về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Sắp xếp lại hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm người cao tuổi và giữa người cao tuổi với xã hội.

Việc tổ chức thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải tự chi trả kinh phí không có bảo hiểm là sự cần thiết. Nhà nước cần có cơ chế thu hút tổ chức, cá nhân trong xã hội, chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng các mô hình trong tương lai. Như vậy, một xu hướng tất yếu trong tình hình hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và mỗi cá nhân chủ động chuẩn bị điều kiện vật chất, trí tuệ và tinh thần từ khi còn trẻ để khi về già người cao tuổi không phải là gánh nặng mà là một nguồn lực của gia đình và xã hội.

Về phía các bộ, ngành chức năng có thẩm quyền cần giám sát thường xuyên việc chăm sóc, việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, cần sớm thực hiện Chương trình chăm sóc người cao tuổi đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tháng 10 vừa qua. 

PV lược ghi