Châm ngòi cho quả bom thù hận

Chính Minh 27/02/2012 13:59

Trong lúc Chính phủ Afghanistan chính thức mở cánh cửa cho cuộc đối thoại trực tiếp với Taliban qua việc mời lãnh đạo lực lượng này ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, “những người bạn Mỹ” của Kabul lại gây rắc rối lớn với vụ đốt kinh Koran tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Hành động xúc phạm của lính Mỹ được ví như hành động châm ngòi cho quả bom bài Mỹ ở thế giới Hồi giáo.

Những ngày qua, làn sóng biểu tình rầm rộ sau vụ đốt kinh Koran khiến Mỹ phải đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul và cấm các nhân viên dân sự cũng như quân sự Mỹ đi lại tự do trong thành phố. Taliban đã đưa ra lời kêu gọi người Afghanistan tấn công các mục tiêu quân sự của phương Tây như một hành động trả đũa và “dạy cho những kẻ xâm lược một bài học để họ không bao giờ dám xúc phạm đến kinh Koran nữa”.

Nguồn: Cagll Cartoons
Nguồn: Cagll Cartoons

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự giận dữ của người Afghanistan, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi thư cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai xin lỗi chính phủ và người dân Afghanistan về vụ này. Trong thư, nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ hối tiếc sâu sắc về hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo mà ông cho là “không cố ý” này. Ông cũng cam kết sẽ điều tra đầy đủ và có những biện pháp thích hợp để tránh tái diễn các vụ tương tự.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong tình huống hiện nay, lời xin lỗi là vô ích. Cho đến nay, Mỹ đã và đang phải đối mặt với sự chống đối từ các tộc người Pashtun ở Afghanistan. Song một sự cố như vụ đốt kinh Koran vừa rồi thực sự sẽ kích động sự chống đối bởi cả các yếu tố ngoài Pashtun. Người Tajikistan, Khazar và Uzbekistan, vốn là đồng minh và có quan hệ khăng khít với Mỹ, đã bắt đầu chuyển sang thái độ thù địch. Rõ ràng đây là thảm họa tồi tệ nhất của người Mỹ tại thời điểm Mỹ đang đẩy nhanh việc sớm rút quân khỏi Afghanistan.

Gần đây, Mỹ và Pháp – hai trong số các thành viên thuộc khối NATO (Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương) cho biết họ sẽ kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Afghanistan và rút quân khỏi đây vào nửa cuối năm 2013, sớm hơn gần một năm so với kế hoạch trước đó. Thông báo này được đưa ra với một sự háo hức chưa từng thấy để kết thúc cuộc chiến kéo dài suốt một thập kỷ qua. Việc Mỹ và Pháp đẩy sớm kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan cho thấy sự xấu đi của tình hình an ninh tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Một mặt, các thành viên khác trong khối NATO rất có thể sẽ theo chân Mỹ, Pháp sớm rút khỏi chiến trường này, nhưng mặt khác nếu NATO rút quân sớm, Taliban có thể một lần nữa “chinh phục” Afghanistan.

Phản ứng trước mối lo ngại trên, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO hồi đầu tháng 2 tại Brussels đã tái khẳng định rằng hạn chót cho việc chuyển giao an ninh từ lực lượng an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy cho Chính phủ Afghanistan vẫn là vào cuối năm 2014. Mặc dù vậy, ở Afghanistan, những quyết định rút quân sớm được thông báo gần đây gây ra những lo ngại mới. Nhiều nhà phân tích địa phương cho rằng việc sớm rút các lực lượng ISAF khỏi Afghanistan sẽ tạo thêm động lực cho Taliban, làm xấu đi tình hình an ninh ở quốc gia Trung Á này. Theo họ, nếu Mỹ muốn kết thúc thành công việc chuyển giao nhiệm vụ an ninh cho người Afghanistan, Mỹ bắt buộc phải đưa các nhà lãnh đạo Taliban ngồi vào bàn đàm phán.

Trong khi những nỗ lực nhằm đưa phong trào Hồi giáo Taliban ngồi vào bàn đàm phán đang gặp không ít trở ngại, vụ đốt kinh Koran được cho là do lính Mỹ thực hiện tại căn cứ không quân Bagram đã kích động làn sóng biểu tình chống Mỹ và sau đó nhanh chóng biến thành bạo lực trên khắp Afghanistan và lan sang cả nước láng giềng Pakistan. Chưa dừng ở đó, một số nghị sĩ quốc hội Afghanistan thậm chí còn kêu gọi người dân cầm vũ khí và chiến đấu chống lại binh lính Mỹ đến cùng, trong khi Taliban hô hào người Afghanistan không ngừng trả đũa cho vụ đốt kinh Koran.

Tổng thống, giới chức cấp cao của Nhà Trắng và các tướng lĩnh Mỹ đã liên tiếp đưa ra lời xin lỗi, song các nhà phân tích cho rằng khó có thể ngăn chặn được sự giận dữ của người Afghanistan bằng lời xin lỗi ngắn gọn như vậy. Sau 10 năm lực lượng Mỹ đồn trú ở Afghanistan, nhiều người Afghanistan ngày càng bất đồng quan điểm và tỏ rõ sự thù ghét với quân đội Mỹ - những người đã giết hại cả dân thườâng vô tội và không tôn trọng các truyền thống tôn giáo địa phương. Vụ đốt kinh Koran lần này là vụ bê bối thứ ba trong lực lượng ISAF, một lần nữa kích động tình cảm chống Mỹ trong người dân Afghanistan.

Chiếm lấy trái tim của người dân Afghanistan được xem là một mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong nỗ lực nhằm đánh bại Taliban, nhưng rốt cuộc, đến cả những giá trị văn hóa và tôn giáo tối thiểu của người dân nước này mà người Mỹ cũng không thấu hiểu. Giới quan sát Afghanistan tin rằng trong khi Washington đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, sự oán hận, nỗi thất vọng và sự dồn nén của dân chúng Afghanistan sẽ mang đến thêm những thách thức mới trong việc thực hiện các chiến lược của Mỹ tại đây.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Châm ngòi cho quả bom thù hận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO