Chăm học không có nghĩa là điểm cao
3 năm qua, Gs Rolf Schulmeister (Hamburg, Đức) đã nghiên cứu cách học của sinh viên Đức. Kết quả là, những sinh viên học tập chăm chỉ không phải lúc nào cũng đạt điểm cao.
Nếu chăm chỉ, cố gắng mà không đạt điểm cao thì cái gì mới mang lại điểm cao, thưa giáo sư? Thông minh xuất chúng chăng?

Lạy Chúa, không phải vậy. Đó không phải nhờ trí thông minh, cũng không phải do tài năng, mà là động lực học. Điều này được phản ánh trong những cách học khác nhau và có thể có nghĩa rằng, học sinh dễ bị sao nhãng, hoặc khi gặp những bài tập khó, họ lại: “Mình sẽ làm vào tuần tới”. Cách tổ chức các môn học với 8 - 12 buổi/tuần càng làm vấn đề này thêm trầm trọng. Học sinh không chắc chắn những buổi học đó họ có thực sự cần phải học hay không.
Trong nghiên cứu của Giáo sư, dường như có 5 cách học. Cách nào người học đạt kết quả cao nhất ở bậc đại học?
Những người đạt thành tích tốt nhất là những người tự giác, khả năng tập trung cao và có thể học chăm chú trong 1 tiếng đồng hồ. Ngược lại, có những người chỉ muốn trốn học, hoặc khi có khó khăn, họ quay sang tivi, facebook... Họ thích trì hoãn việc học, sau đó phải vắt chân lên cổ trước kỳ thi.
Giáo sư đã nghiên cứu việc đầu tư thời gian và thành công của sinh viên Đức trong nghiên cứu Gánh nặng thời gian từ năm 2009. Trong đó, Giáo sư quả quyết rằng, mỗi tuần sinh viên chỉ dành khoảng 23 tiếng cho việc học trên lớp, nhưng họ vẫn phàn nàn phải chịu nhiều sức ép. Liệu điều này có liên quan đến thái độ học của họ không?
Một mặt, nó liên quan đến thái độ học, nhưng mặt khác, nó liên quan đến cấu trúc môn học. Tại các trường đại học ở Đức, mỗi tuần có quá nhiều tiết học chuyên đề, chia ra nhiều chủ đề khác nhau. Sinh viên không biết nên tập trung vào chủ đề nào. 4 tháng sau, thường vào tháng 1 hoặc tháng 7, tất cả các môn đều tổ chức thi, vì thế nó thực sự làm nhiều thí sinh… sợ.
Vậy theo Giáo sư, các môn học nên được tổ chức như thế nào để sinh viên có thể học dễ dàng hơn?

Trong một số môn như cơ khí, khoa học máy tính, chúng tôi đề nghị học kiểu cuốn chiếu (block). Mỗi môn học trong 4 tuần, chứ không kéo dài tới 14 tuần suốt cả học kỳ. Sinh viên sau đó có thể tập trung vào những chủ đề cụ thể. Kết quả là: sinh viên có thể dành tới 34 tiếng cho việc học, thay vì 23 tiếng như trước đây. Đối với chuyên ngành khoa học máy tính ở St. Polten, chúng tôi thấy điểm số của sinh viên trong kỳ thi cuối cùng được nâng lên 1,5 bậc.
Điều đó có nghĩa Giáo sư kêu gọi áp dụng cách học cuốn chiếu trong các trường đại học ở Đức? Liệu cách học này có thể áp dụng hiệu quả trong tất cả các môn học không?
Trong các chương trình học đều có những môn phụ bên cạnh môn chính. Điều đó có nghĩa có thể áp dụng cách học cuốn chiếu dễ dàng hơn. Chúng tôi làm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Ilmenau, học sinh học môn chuyên đề trong 3 ngày và 2 ngày học môn tự chọn. Nhiều trường đại học ở Canada chỉ tổ chức học chuyên đề nửa ngày, trong 4 - 5 tiếng. Đó cũng có thể là một cách làm.
Ông đã hoàn thành nghiên cứu Gánh nặng thời gian vào đầu năm nay. Tại Đức đã có nhiều cuộc thảo luận về nghiên cứu này. Những phát hiện của ông có dẫn đến thay đổi nào trong các trường đại học không?
Tại Đại học Kỹ thuật Ilmenau đã có một số thay đổi. Học chuyên đề đã được giới thiệu, tương tự cách học cuốn chiếu. Các trường đại học khác vẫn đang cố gắng đưa vào khóa học thí điểm, như ở St. Polten, Áo gần đây tổ chức Ngày Dạy học, Hiệu trưởng nhiều trường đại học đã tham dự và ký vào chương trình thí điểm.