Chấm dứt tình trạng "đánh trống, ghi tên"

- Thứ Năm, 17/12/2020, 08:12 - Chia sẻ
Trước thực trạng các dự án treo ngày càng trở nên "phổ biến" ở nhiều nơi, ít nhất HĐND hai địa phương đã có động thái rõ ràng, quyết liệt với các dự án này.

Thứ nhất, tại Kỳ họp thứ 23, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về danh mục hủy bỏ các dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn. Cụ thể, HĐND thành phố chấp thuận thông qua danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được HĐND thành phố thông qua vào các năm 2015, 2016 và 2017; giao UBND thành phố công bố công khai hủy bỏ việc thu hồi đất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời chỉ đạo sở, ngành phối hợp quận, huyện tiếp tục rà soát các dự án không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định...

Thứ hai, theo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Khánh Hòa về danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh vừa ban hành, từ cuối năm 2014 đến ngày 31.12.2018, trên cơ sở xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, HĐNĐ tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết về thu hồi đất với tổng diện tích cần thu hồi 10.199ha. Qua xem xét, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhận thấy tờ trình của UBND tỉnh về danh mục dự án cần thu hồi đất thường rất ngắn, một số nội dung như tổng số dự án, địa điểm dự án tại cấp xã và cấp huyện, số văn bản chấp thuận đầu tư.

Với các nội dung như vậy, không đủ thông tin để phục vụ cho việc thẩm tra, thảo luận và thông qua khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. HĐND tỉnh cho rằng, tình trạng dự án treo không được xử lý; kế hoạch sử dụng đất hàng năm không thực hiện được nhưng không được điều chỉnh hủy bỏ và công bố công khai theo quy định đã khiến số dự án treo tăng. Do đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt tình trạng "đánh trống, ghi tên", "xí chỗ" đất để dành thực hiện dự án sau này, không khả thi, không đúng quy định của pháp luật...

Thực tế, không chỉ hai địa phương này mới có các dự án treo mà có thể khẳng định hầu hết 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có. Vấn đề chỉ là ít hay nhiều và thời gian "treo" là bao lâu mà thôi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV diễn ra vừa qua là bởi chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực và không cân đối được nguồn lực để thực hiện. Là bởi quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nên không có nguồn lực để đầu tư. Tiếp đó là do công tác lập quy hoạch chưa gắn với xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn...

Khắc phục tình trạng này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước tiên phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững; phải rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển, cân đối được các nguồn lực thực hiện. Sau khi có quy hoạch, các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư và các dự án ưu tiên để triển khai. Phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập, vi phạm để xử lý...

Để hạn chế tối đa, tiến tới giải quyết triệt để các dự án treo, ngoài những giải pháp vĩ mô như trên, điều đặc biệt quan trọng là các địa phương phải có "thái độ" rõ ràng, quyết liệt như HĐND tỉnh Khánh Hòa: Đề nghị UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt tình trạng "đánh trống, ghi tên", "xí chỗ" để dành, không khả thi, không đúng quy định pháp luật...

Linh Trang