Chấm dứt tình trạng chạy theo phong trào

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:16 - Chia sẻ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018 góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực. Sản lượng, giá trị của ngành chăn nuôi luôn thuộc top đầu trong khối nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa... cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Giai đoạn 2008 - 2020, sản lượng thịt các loại đã tăng hơn 1,6 lần, từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn; trứng tăng gần 3 lần, từ gần 5 tỷ quả lên 14,5 tỷ quả; sữa tươi tăng 4,1 lần, từ 262,2 nghìn tấn lên 1.100 nghìn tấn... Một số sản phẩm chăn nuôi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, ngành chăn nuôi cũng còn bộc lộ không ít bất cập. Đó là chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ vẫn chiếm đa số; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước.

Việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều bất cập, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ, nhiều dịch bệnh nguy hiểm chưa kiểm soát được, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi... Công tác dự báo, dự tính về thị trường còn nhiều hạn chế...

Những nhận định này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đúng nhưng chưa đủ nếu nhìn nhận ở góc độ quản lý nhà nước qua "lăng kính" giá thịt lợn trong thời gian qua. Đó là trong một thời gian khá dài, dù nhiều lần yêu cầu giảm giá, cùng hàng loạt các biện pháp như cho phép nhập khẩu thịt "nguội", lợn sống nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Nguyên nhân, theo các cơ quan chức năng là chưa đủ lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường; do giá thành sản xuất cao vì phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; do có quá nhiều khâu trung gian. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi đó cho rằng do cung - cầu chưa gặp nhau. Rằng mặt hàng thịt lợn trong quý IV.2020 sẽ đạt số lượng bằng trước khi xảy ra dịch, khi đó sẽ trở về trạng thái cung cầu gặp nhau. Tuy nhiên, giá sẽ không như trước mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi và tạo mặt bằng giá mới... Và giải pháp gốc rễ để khắc phục tình trạng này là đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn; giảm bớt khâu trung gian...

Như vậy, dù biết nguyên nhân nhưng hiệu quả thực thi những giải pháp của các cơ quan chức năng vẫn rất thấp, vai trò quản lý nhà nước khá mờ nhạt. Đến thời điểm này, giá thịt lợn đã tạm thời hạ nhiệt thế nhưng qua những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, cần thiết phải có chế tài mạnh hơn và việc xử lý cũng quyết liệt hơn chứ không nên chỉ dừng ở việc yêu cầu...

Và điều quan trọng hơn là phải có chiến lược bài bản phù hợp. Cũng bởi vậy, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược phát triển, chăn nuôi Việt Nam  và bàn về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu phải khắc phục tình trạng phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa có kế hoạch, chạy theo phong trào, chưa gắn với thị trường trong nước và quốc tế, dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu. Muốn vậy, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 phải được xây dựng khoa học, bài bản.

Linh Trang