Số phận “chìm nổi” của dự án
Dự án nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hòn La; khu neo đậu tránh trú bão, khu neo đậu chuyển tải, vùng đón trả hoa tiêu và vùng kiểm dịch tại khu vực luồng Hòn La theo hình thức xã hội hóa, kết hợp tận thu sản phẩm cát nhiễm mặn để xuất khẩu, bù chi phí nạo vét, không sử dụng ngân sách Nhà nước, được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương tại Văn bản số 12715/BGTVT-KCHT ngày 9.10.2014; Cục Hàng hải Việt Nam tại Văn bản số 190/CHHVN-QLKCHTCB ngày 16.1.2015. Chủ đầu tư được giao tổ chức thực hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương Mại Linh Thành, Quảng Bình (Công ty Linh Thành).
Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án số 1000/QĐ-BTNMT ngày 24.4.2015; Bộ Xây dựng có Văn bản số 1572/BXD-VLXD ngày 20.7.2015 về việc hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn. Trên cơ sở các pháp lý đó, ngày 18.5.2015, Công ty Linh Thành ký Hợp đồng số 10/2015/HĐNV-XHH thực hiện Dự án nạo vét xã hội hóa cảng Hòn La với Cục Hàng hải Việt Nam; ngày 5.5.2016, 2 bên tiếp tục ký Phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ về việc điều chỉnh Hợp đồng số 10/2015.
Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Linh Thành đã triển khai ngay các bước tiếp theo như tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm cát nhiễm mặn tận thu, máy móc phục vụ cho việc thực hiện thi công. Sau khi nhiều đoàn khách đến khảo sát, thăm dò, thí nghiệm…, đầu năm 2017, công ty đã chính thức ký được hợp đồng xuất khẩu sản phẩm nạo vét tận thu cát nhiễm mặn với Công ty TNS RESOURCES LTD - Singapore. Trước khi thi công, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Bình đã làm các thủ tục kiểm tra phương tiện, các biện pháp bảo đảm an toàn. Đến ngày 18.8.2017, Công ty Linh Thành đã chính thức thi công, dưới sự giám sát của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Tư vấn thiết kế Việt nam - là đơn vị được Cục Hàng hải phê duyệt.
Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện xuất khẩu được 5 chuyến tàu, Thủ tướng Chính phủ ban hành chủ trương cấm xuất khẩu cát ra nước ngoài, chỉ bán trong nước, Công ty Linh Thành đã nghiêm túc chấp hành và tạm dừng thực hiện dự án. Mặc dù việc dừng này gây nhiều tổn thất về mặt tài chính, gồm các khoản tiền đầu tư thuê mua phương tiện, vật tư; tiền phạt hợp đồng đã ký với khách hàng do không giao hàng như đã cam kết...., nhưng vì lợi ích chung, nên công ty không băn khoăn điều gì.
Sau đó, công ty tiếp tục tìm kiếm khách hàng trong nước, đến ngày 3.11.2017 đã ký được hợp đồng được với Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển Hà Nội, cung cấp sản phẩm tận thu cho Dự án san lấp Khu đô thị mới Đa Phước (Đà Nẵng). Nhưng lại lần nữa gặp rủi ro, sau khi công ty ứng trước kinh phí thực hiện hợp đồng cho các tàu để triển khai thi công thì dự án của khách hàng mới này bị đình chỉ do liên quan đến vụ án Vũ Nhôm, doanh nghiệp lại thêm một lần chịu tổn thất về mặt tài chính.
Trong khi công ty đang tiếp tục tìm kiếm khách hàng trong nước để tiêu thụ sản phẩm tận thu sau nạo vét, ngày 28.11.2018 Chính phủ ban hành Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 49 của nghị định này yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh tiến hành rà soát lại các tiêu chí và điều kiện. Từ đó đến nay, dự án đã phải dừng để chờ quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, điều đáng lo lắng nhất của doanh nghiệp là thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình liên tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải chấm dứt Dự án xã hội hóa nạo vét cảng Hòn La. Trong khi đó, doanh nghiệp lo lắng vì đã bỏ ra nhiều chi phí trong gần chục năm qua, nếu bị chấm dứt và thu hồi dự án sẽ gây thiệt hại rất lớn, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và rộng hơn là môi trường thu hút đầu tư vào tỉnh.
Quan điểm từ các bên
Khoản 2, Điều 49, Nghị định 159/2018/NĐ-CP: đối với các dự án xã hội hóa nạo vét được chấp thuận nhà đầu tư trước ngày có hiệu lực thi hành Nghị định này, Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát lại các điều kiện về quy hoạch, tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường, an toàn, phòng chống sạt lở của tuyến luồng, chịu trách nhiệm về quyết định chấp thuận tiếp tục triển khai dự án; các bước tiếp theo thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của chủ đầu tư, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam. Qua trao đổi, các cơ quan đều có quan điểm cho rằng, việc rà soát lại các dự án xã hội hóa trong nạo vét các cảng nội địa là cần thiết, chấp hành nghiêm túc Khoản 2, Điều 49, Nghị định số 159/NĐ-CP của Chính phủ. Về phía Bộ và Cục là ủng hộ các dự án nạo vét xã hội hóa đủ điều kiện để được tiếp tục, điều này góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách duy tu hàng năm.
Trong trường hợp này, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải đã nhận kết quả rà soát và đề nghị tiếp tục dự án của Công ty Linh Thành. Tuy nhiên, phía UBND tỉnh Quảng Bình lại có các văn bản đưa ra chưa đồng nhất, khi thì đồng ý, rồi lại có ý kiến đề nghị chấm dứt và thu hồi dự án.... Cụ thể, tại Văn bản số 2062/UBND-XDCB ngày 12.11.2020 của UBND tỉnh Quảng Bình gửi Cục Hàng hải về việc tham gia ý kiến các dự án xã hội hóa nạo vét khu vực cảng Hòn La. Văn bản có đoạn: “UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất với chủ trương tiếp tục triển khai các dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm bù chi phí khu vực Hòn La, nhằm hoàn thiện luồng tuyến hàng hải để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu ra vào bến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các bến cảng biển theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Hơn thế nữa, trong khu vực nạo vét cảng Hòn La có 2 doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, ngày 10.5.2022, UBND tỉnh Quảng Bình có Văn bản số 764/UBND-XDCB do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng ký với nội dung: đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Bình Phước tiếp tục dự án, do không chồng lấn. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau đó, chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng lại ký Văn bản số 1111/UBND-XDCB với nội dung thu hồi Văn bản số 764/UBND-XDCB đã đồng ý trước đó.
Còn đối với dự án của Công ty Linh Thành, dù năm 2020 đã có văn bản đồng ý, nhưng ngày 29.7.2021, UBND tỉnh Quảng Bình lại có văn bản số 1405/UBND-XDCB gửi Bộ Giao thông Vận tải với nội dung: đề nghị xem xét thu hồi dự án nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hòn La..., do Cục Hàng hải chấp thuận từ năm 2015. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn ngân sách Trung ương để nâng cấp tuyến luồng, trong thời gian chờ nâng cấp, đề nghị bố trí kinh phí để nạo vét duy trì chuẩn luồng trong năm 2022. Đề nghị thu hồi 17,62ha của Công ty Linh Thành chồng lấn với Công ty Cổ phần Đầu tư DKC thực hiện nạo vét (doanh nghiệp này được tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư). Tiếp theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng Hải Việt Nam, cùng các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đã có nhiều văn bản, cuộc họp về vấn đề này, nhưng chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.
Đem những thắc mắc của doanh nghiệp rằng việc tiếp tục cho doanh nghiệp xã hội hóa trong nạo vét sẽ tiết kiệm số lượng đáng kể kinh phí từ ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, sau khi UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí ngân sách để nạo vét, nâng cấp cảng Hòn La; ngày 15.6.2022, Bộ đã có Văn bản số 5975/BGTVT-KCHT với nội dung: chưa thể cân đối bố trí vốn để đầu tư nâng cấp luồng vào cảng Hòn La giai đoạn 2021 - 2025, bộ sẽ nghiên cứu xem xét, bổ sung vào kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030.
Câu hỏi doanh nghiệp đặt ra ở đây là nếu quan điểm của UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị chấm dứt và thu hồi dự án thì nguồn ngân sách nạo vét sẽ lấy từ nguồn nào? Hơn thế nữa, chưa được trả lời thỏa đáng là Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận và Cục Hàng hải Việt Nam ký hợp đồng với Công ty Linh Thành được nạo vét khu vực cảng Hòn La năm 2015, vậy đơn vị nào cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư DKC?, thời gian cấp là trước hay sau với Công ty Linh Thành?, để rồi xảy ra vướng mắc việc diện tích cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư DKC chồng lấn 17,6ha lên diện tích của Công ty Linh Thành?, lỗi này lại không phải do doanh nghiệp?.
Để làm rõ băn khoăn của chủ đầu tư, phóng viên đã vào thực tế dự án, liên hệ với Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình để được làm việc, tìm hiểu về sự việc được khách quan, đa chiều, nhưng đều được trả lời qua điện thoại là bận họp, nên những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi thời gian vừa qua, song song với việc chờ Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thẩm định lại hồ sơ, rà soát..., Công ty Linh Thành vẫn tiếp tục tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu tận thu cát nhiễm mặn như: gói thầu san lấp cảng Tiên Sa, (Đà nẵng), gói thầu san lấp Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà nẵng), với hy vọng tiếp tục được thực hiện dự án.