Chấm dứt cảnh "thừa dự án, thiếu tiền"

- Thứ Năm, 27/05/2021, 07:46 - Chia sẻ
Trong hai ngày cuối tuần qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát và cắt giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (từ 6.447 dự án xuống còn khoảng 5.397 dự án). Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo “kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới” của Thủ tướng trong các cuộc họp trước đó về chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Công cuộc cắt giảm chắc chắn chưa dừng lại ở đây! Trong Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ban hành ngày 23.5, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu này và đặt mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước chỉ dừng lại ở khoảng 5.000 dự án.

Con số 1.447 dự án có thể cắt giảm được (thậm chí có tỉnh đã giảm từ 498 dự án xuống còn 31 dự án) cho thấy tư duy phát triển trong đầu tư công chậm được đổi mới. Nhiều nơi vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ, xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương và quyết định những dự án “xa rời” với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội… Dù mục tiêu đầu tư công là các ngành then chốt, các dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, nhưng thực tế lại cho thấy trong hàng chục nghìn dự án được rót vốn đầu tư công không phải dự án nào cũng là “then chốt”, là “quan trọng” ở tầm mức quốc gia hay địa phương. Các công trình kiểu như những cổng chào, khẩu hiệu, tượng đài, bảo tàng... có mức chi tiêu đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng xuất hiện không ít trong những năm qua khó có thể nói là tạo ra cơ hội phát triển kinh tế hay nâng cao mức sống của người dân địa phương.

Giai đoạn 2011 - 2015 có 22.000 dự án đầu tư công, đến giai đoạn 2016 - 2020 giảm xuống còn 11.000 dự án - đây được coi là một cuộc cách mạng lớn. Trong 5 năm tới, nếu số dự án chỉ còn lại 5.000 thì về mặt “lượng” sẽ giúp ngân sách nhà nước trút được một gánh nặng vô cùng lớn. Trước đây, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 các bộ, ngành, địa phương đề xuất là 3,8 triệu tỷ đồng, bất chấp nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,75 triệu tỷ đồng. Số tiền 1,050 triệu tỷ đồng “vượt lên” ấy chúng ta chưa biết lấy từ đâu, trong khi đất nước đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và nợ công vẫn là điều đáng quan ngại.

Hiệu quả đầu tư công chắc chắn sẽ được cải thiện khi tình trạng “thừa dự án, thiếu tiền” chấm dứt và người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu “từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư”.

Bên cạnh đó, còn một điều quan trọng nữa phải thực thi trong 5 năm tới, đó là thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Đây là một định hướng đổi mới đã được đề ra trong Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, theo đó phải lấy kết quả cụ thể để làm thước đo hiệu quả sử dụng ngân sách. Mặc dù vậy nguyên tắc này đến nay chưa được thực hiện.

Trước mắt, tới đây, Chính phủ nên đề nghị tất cả các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể, với 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trong 5 năm qua, kết quả thu được là gì? Bao nhiêu dự án đã được hoàn thành? Bao nhiêu dự án dở dang? Kết quả này cần công bố công khai để người dân được biết và thực hiện quyền giám sát của mình. Làm được vậy hiệu quả đầu tư công giai đoạn tới chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.   

Cẩm Phô