Việc làm này thực hiện theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk về kết quả giám sát chuyên đề việc đề xuất chủ trương và thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để làm dự án trên.
Theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk, thời gian UBND tỉnh thẩm định hồ sơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án còn chậm và kéo dài.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chậm chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế; chậm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Về nguyên nhân chậm thực hiện, theo Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk, là do dự án cần phải điều chỉnh một số đoạn tuyến so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bởi vậy, số liệu vị trí, diện tích, hiện trạng rừng tại một số đoạn tuyến điều chỉnh có sự thay đổi, phải thực hiện thẩm định hồ sơ lại từ đầu, do đó mất thời gian lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định.
Khối lượng thực hiện các thủ tục liên quan để đảm bảo hồ sơ phù hợp theo quy định nhiều, các khu vực nơi dự án đi qua xa trung tâm, đi lại khó khăn.
Công tác quản lý hồ sơ, tài liệu, bản đồ kiểm kê rừng, kiểm kê đất của các ngành và địa phương qua các thời kỳ thiếu chặt chẽ, không đồng nhất; diện tích đất rừng không đồng bộ với diện tích rừng làm ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc đất, đánh giá hiện trạng rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án.
Công tác rà soát, lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các huyện Ea Kar và Krông Pắk chưa đảm bảo, chưa đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024.
UBND tỉnh Đắk Lắk phải thực hiện lại quy trình xây dựng đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo Thông tư số 22, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2024.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định, đôn đốc các địa phương thực hiện trong việc chuyển mục đích sử dụng đất thống nhất, đồng bộ với chuyển mục đích sử dụng rừng.
Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tránh tình trạng xâm chiếm, vi phạm về rừng trong quá trình sử dụng đường công; triển khai việc trồng rừng thay thế và thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn…
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 116,5 km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 dài 31,5 km do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài gần 37 km do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 dài 48 km do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.
Tháng 12.2023, Chính phủ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở dự án này với diện tích gần 200 ha. Trong đó, hơn 169 ha rừng ở Đắk Lắk; hơn 27 ha rừng là của Khánh Hòa.
Cuối tháng 5.2024, Thủ tướng Chính phủ có công điện, qua đó yêu cầu tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng, đấu giá, thu hồi rừng tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trước ngày 30.6.