Cây muốn lặng gió, chẳng đừng...

Thăng Long 13/08/2010 00:00

Mấy ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, đây đó rầm rộ đưa tin bước đầu tổng kết một năm thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường và kiến nghị cần nhân rộng ra cả nước.

Tại sao lại có việc làm vội vã như vậy? Số là, người ta đang muốn chạy đua với thời gian. Đề xuất sớm, quyết sớm thì việc bãi bỏ HĐND huyện, quận, phường có thể kịp với cái mốc bầu cử vào năm sau khi HĐND kết thúc nhiệm kỳ này.

Động cơ gấp gáp, nên việc một đề tài khoa học ra đời non và đầy rẫy tính phi khoa học là điều dễ nhìn thấy. Xin lẩy ra vài ý họ muốn nói sau đây:
1, Bỏ HĐND huyện, quận, phường thì kinh tế - xã hội phát triển

2, Bỏ HĐND huyện, quận, phường thì trật tự an ninh được giữ vững

3, Bỏ HĐND huyện, quận, phường thì mở rộng dân chủ

4, Bỏ HĐND huyện, quận, phường thì tiết kiệm được ngân sách như Đà Nẵng là 7 tỷ đồng/ năm, Vĩnh Phúc là 2,5 tỷ đồng/ năm..vv và vv…

Mới hơn một năm, tính từ tháng 5.2009 đến nay là 400 ngày mà dám cả gan nêu mấy vấn đề to tát kể trên thì quả thật bạo gan và chủ quan. Xin thưa, mọi người dân đều biết, muốn có 1% tăng trưởng GDP thì biết bao nỗ lực từ mọi hướng mọi nơi, đầu tư ra sao, dốc sức thế nào, rồi thi đua yêu nước, rồi tăng năng suất lao động… đấy là chưa kể nguồn dự trữ, nguồn vay. Chưa nói đến Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ vắt óc ra sao… Thế mà, khi nghĩ chỉ cần bỏ HĐND thì kinh tế - xã hội phát triển thì, quả thật phát ngôn quá ẩu.

Và, càng thiếu thận trọng hơn, ấy là khi cho rằng không có HĐND huyện, quận, phường thì trật tự an ninh được giữ vững, dân chủ được mở rộng, tiết kiệm được tiền của… Thử hỏi cái nhìn chủ quan đã được đúc kết kia lấy từ đâu ra?

Chúng ta đều biết HĐND huyện, quận, phường không phải là ngự tiền văn phòng của UBND cùng cấp hoặc của ai khác để mà ngăn chặn không cho dân chủ phát triển, làm cho dân chủ bị thu hẹp lại. Hay, làm cho trật tự an ninh không được giữ vững mà chỉ cần bỏ nó đi thì dân chủ được mở rộng và an ninh được giữ vững. Kết luận không có tính khoa học trên nếu cứ đà tư duy này sẽ nguy hại về mặt chính trị là điều chúng ta không muốn, nhưng dù sao cũng cần phải thẳng thắn vạch ra, bởi nếu làm chính trị mà võ đoán như vậy thì thật tai hại.

Về kinh phí có thể (xin nhấn mạnh là có thể) tiết kiệm được số tiền vừa nêu nếu cứ làm phép tính số học mà nhân ra cả nước. Nhưng cần nhớ, quản lý xã hội bớt một đồng chỗ này thì phải tính xem có phải bỏ một vài ba đồng vào chỗ khác không? Tương tự như vậy giảm được một biến chế của HĐND phường hoặc 2 biên chế HĐND huyện thì cái định biên theo tỷ lệ 17 cán bộ trên 2000 dân kia ai dám chắc các địa phương không lấp đầy chỉ tiêu? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, và đưa lên bàn cân mà xem nặng nhẹ.

Điều lớn nhất, thể chế chính trị của chúng ta là gì mà phải cần có bộ máy 4 cấp… Điều này hẳn cha anh ta không ngọng gì mà chỉ để 4 cấp, không 5 và không 3. Chính quyền chúng ta là của ai mà phải có thiết chế dân chủ như hiện nay. Điều này, cha anh ta đi làm cách mạng cũng thừa khôn để dày công mà củng cố chính quyền bằng cách đặt ra HĐND các cấp.

Thêm nữa, một trong hai chức năng của HĐND là giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thì những người làm báo cáo muốn chuyển chức năng giám sát sang cho MTTQ. Hãy nhớ, MTTQ có giám sát nhưng là tổ chức xã hội nên việc giám sát là giám sát xã hội. HĐND hay lớn hơn là cơ quan dân cử nói chung có chức năng giám sát và là giám sát của quyền lực nhà nước. Cơ quan dân cử có quyền yêu cầu, bắt buộc UBND và các ngành làm hoặc bãi bỏ việc sai trái (có quyền xem xét, đàn hặc (hạch sách) và phán xét như từ điển Đào Duy Anh định nghĩa về giám sát). Cái điều nói thêm này chỉ là đơn cử để thấy người ta đã chẳng phân biệt được giám sát của cơ quan dân cử với giám sát của tổ chức xã hội là gì.

Thực ra mọi điều đã rõ. Thế nhưng:

Cây muốn lặng gió - chẳng đừng được - thấy chướng đành lay

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cây muốn lặng gió, chẳng đừng...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO