Giúp nhiều người thoát nghèo
Võ Nhai là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Thái Nguyên, với diện tích trên 1.300ha, cây chè là cây trồng chủ lực, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân ở nhiều xóm bản. Để nâng cao giá trị cây chè, huyện đã triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025” với các dự án, chương trình cụ thể cùng nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. “Dự án phát triển chè theo hướng nâng cao giá trị kết hợp với du lịch cộng đồng huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận cho các hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu; 50% kinh phí chứng nhận lại chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hỗ trợ một lần giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè.
Xã Liên Minh là vùng chè lớn nhất của huyện, diện tích 395ha, sản lượng gần 4.000 tấn búp tươi mỗi năm. Hiện 95% thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, chè là cây kinh tế mũi nhọn. Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Minh (xóm Thâm) là đơn vị chủ lực trong sản xuất và tiêu thụ chè an toàn của xã. Hiện HTX có 30 thành viên và 80 hộ liên kết, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Nhờ được đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị từ các nguồn vốn của Nhà nước, HTX có 03 xưởng chế biến được trang bị tôn quay điện, máy vò chè,… Các hộ thành viên và liên kết đều được tập huấn và sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, được HTX thu mua, bao tiêu trên 80% sản lượng.
Thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX đã góp phần đưa thu nhập bình quân của xã đạt 45 triệu đồng vào cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4%, cận nghèo còn 3,13%, đạt tiêu chí xã NTM.
Huyện Phú Lương có trên 4.100ha chè, sản lượng chè búp tươi đứng thứ 2 toàn tỉnh, đạt trên 45 nghìn tấn/năm. Trong thời gian vừa qua, bằng những giải pháp hiệu quả, chú trọng sản xuất an toàn, hữu cơ, nghề chè Phú Lương đã có những chuyển biến lớn, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi Phú Lương và đời sống của người dân.
HTX Nông sản Phú Lương thành lập tháng 7.2020, liên kết nhiều hộ dân xung quanh trồng, chế biến chè theo hướng hữu cơ trên diện tích 50ha, tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, HTX đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng với quy mô 800m2, 9 máy sao sấy chè, 25 máy vò chè, 15 giá hong chè, hệ thống tưới tiết kiệm. Nhờ đó chất lượng và giá trị sản phẩm chè của HTX ngày càng được nâng cao. Trung bình tiêu thụ 1 tấn chè búp khô/tháng, giá bán tăng gấp đôi so với trước đây, ở mức từ 300-500 nghìn đồng/kg. Đồng thời thu mua búp chè tươi của các hộ dân với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, HTX còn thuê hơn 10 lao động địa phương làm công việc chế biến chè, có thu nhập ổn định.
Nâng cao mức sống
Năm 2018, xã Phú Đô, huyện Phú Lương tổ chức Lễ công bố và đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây được coi là kỳ tích của xã miền núi này. Bởi lẽ, giai đoạn 2017-2020, Phú Đô vẫn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của tỉnh được Chính phủ đầu tư theo Chương trình 135. Trong số 50 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Phú Đô có 3 xóm.
Xã có khoảng 70% số hộ thu nhập ổn định từ làm chè, thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm gần 2%. Toàn xã hiện có tổng diện tích chè hơn 700 ha, trong đó có trên 140 ha chè, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều diện tích chè hữu cơ, sản lượng búp tươi đạt hơn 7,3 nghìn tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 35 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng.
Xã đã thành lập 03 HTX sản xuất chè, sản phẩm chè tôm nõn đặc biệt của HTX Seamaul Phú Nam 1 đạt OCOP 4 sao năm 2021.
Anh Hoàng Văn Tuấn, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô cho biết, anh đã được tham gia nhiều lớp tập huấn sản xuất, chế biến chè, nhờ đó đã nâng cao kiến thức, áp dụng quy trình sản xuất, chế biến chè bằng công nghệ sạch đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời đã áp dụng những kỹ thuật được tập huấn về sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc hiệu quả hơn bởi có chuyên gia trực tiếp hướng dẫn; qua đó giúp tôi thêm kiến thức để nhận diện chính xác và phòng ngừa cũng như trị các loại sâu bệnh trên cây chè được tốt hơn… Gia đình tôi và bà con trong xóm đã áp dụng theo kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng chè, dễ tiêu thụ hơn, giá bán cao hơn.
Thời gian vừa qua, xã quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng máy sao, vò chè bằng Inox, mở rộng diện tích chè VietGAP, hỗ trợ van tưới chè, xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè an toàn. Sản phẩm được đăng ký mã vạch, đầu tư bao bì để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phú Đô định hướng gắn xây dựng các mô hình chè với du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, đặc biệt các mô hình nông nghiệp VietGap tiến tới hữu cơ, tiếp tục nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân, sớm hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao.