Cấu trúc lãnh thổ quốc gia

Minh Thy 11/01/2013 08:37

Mô hình phi tập trung hóa tạo nên cấu trúc lãnh thổ của quốc gia. Một số câu hỏi liên quan đến khía cạnh này cần được đặt ra là: quốc gia đó nên tổ chức thành mấy cấp chính quyền? Tất cả các vùng lãnh thổ của quốc gia đó có phải thực thi một cấu trúc hình thức chính quyền đồng nhất hay không? Mỗi cấp chính quyền nên có bao nhiêu đơn vị cử tri? Ví dụ, ở cấp cơ sở thì bao nhiêu cử tri là hợp lý cho việc tối đa hóa cung cấp các dịch vụ ở mức chi phí thấp nhất?

Thông thường, tổ chức chính quyền được chia thành ba cấp: cấp quốc gia (trung ương), cấp vùng/tỉnh/bang và cấp địa phương. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn đơn giản như vậy, bởi lẽ, chẳng hạn, cấp địa phương có thể bao gồm rất nhiều cấp chính quyền/hành chính thấp hơn. Các cấp chính quyền thường được tổ chức một cách cân xứng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đôi khi các quốc gia có thể chọn lựa một cấu trúc hình thức bất cân xứng, tạo ra nhiều cấp chính quyền hơn tại một số khu vực của quốc gia đó. Trong một số quốc gia, cấp chính quyền ngay dưới cấp trung ương chỉ có tại một số vùng lãnh thổ (ví dụ, Sudan từ năm 2005 đến 2011 và Tazania). Trong một số quốc gia khác, cấp chính quyền đô thị được sắp xếp chỉ ngay dưới chính quyền trung ương mà không có cấp chính quyền trung gian nào ở giữa như ở Đức. Tại một số quốc gia khác, các nhà lập hiến đã đưa thêm một cấp hành chính bổ sung ở các đơn vị cấp dưới có diện tích lãnh thổ lớn. Các đơn vị hành chính này giúp cho chính quyền thi hành những chính sách của họ như tại Thụy Sĩ.

Điều quan trọng là chỉ với cấu trúc bất cân xứng ở các cấp chính quyền hay các cấp hành chính không đương nhiên cho thấy mức độ của sự phi tập trung hóa: Trong khi các cấp chính quyền bổ sung tại Nam Sudan ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự cân bằng về chính trị, bởi nó có rất nhiều quyền và đây là điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận hòa bình; thì các cấp hành chính bất cân xứng tại Thụy Sỹ lại không có một sự ảnh hưởng thực chất nào.

Bên cạnh số lượng các cấp chính quyền/hành chính, các nhà lập hiến cũng cần quyết định số lượng các đơn vị hành chính ở mỗi cấp chính quyền. Vấn đề đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn mà các nhà lập hiến sử dụng để xây dựng các đơn vị đó, ví dụ tính khả thi về mặt kinh tế hay hành chính, hoặc trên cơ sở hiệu quả hoạt động hay đặc điểm nhận dạng của mỗi đơn vị, lợi ích của cộng đồng thiểu số mới, có cơ cấu dân số...

Một vấn đề quan trọng khác là liệu hiến pháp có nên đưa ra khả năng điều chỉnh các địa giới hành chính sau khi nó đã được phê chuẩn hay không? Và nếu như vậy, ai có thể tham gia vào quá trình này? Càng nhiều các đơn vị tự trị được tạo ra hơn so với số các quận hành chính thì câu hỏi này càng trở nên nhạy cảm. Quá trình này liên quan đến hai khía cạnh: quyền được khởi xướng và quyền được quyết định. Trong một cơ chế tập trung quyền lực mạnh mẽ, cả hai khía cạnh trên đều thuộc về một thiết chế quốc gia - ví dụ như quốc hội khởi xướng và thông qua như các luật thông thường (Benin). Hiến pháp quốc gia khác có thể xác định rằng luật điều chỉnh địa giới hành chính đòi hỏi không chỉ đa số phiếu trong quốc hội mà còn cần 2/3 số phiếu của những đại biểu đại diện cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh đó (Bỉ). Hiến pháp của một số quốc gia khác nữa yêu cầu cần phải có cơ quan lập pháp của các khu vực bị ảnh hưởng đồng thuận với luật đó (Malaysia). Bên cạnh yêu cầu quốc hội biểu quyết ở cấp quốc gia và cấp thấp hơn, có hiến pháp cũng đồng thời yêu cầu trưng cầu ý dân để có được sự ủng hộ của dân cư của đơn vị đó (Thụy Sỹ).

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cấu trúc lãnh thổ quốc gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO