Trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện
Một nội dung được các ĐBQH Tao Văn Giót (Lai Châu), Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc)... tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là kết quả, nhất là những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và phân bổ biên chế thời gian qua. Theo các đại biểu này, quá trình thực hiện còn cơ học, cào bằng, gây áp lực lớn cho những địa phương đông dân cư, khối lượng công việc lớn...
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: giai đoạn vừa qua phải ghi nhận là một sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, vì chưa bao giờ chúng ta làm được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế như vậy. Cụ thể, cả nước đã giảm được 10,01% biên chế công chức, giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ đó đã góp phần rất quan trọng vào việc tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua đúng là có cào bằng và một mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học”. Thẳng thắn thừa nhận điều này, Bộ trưởng cũng chia sẻ, bước đầu phải làm theo hướng cơ học như vậy. Nếu không có chỉ tiêu, không giao cụ thể như thế thì khó có thể thực hiện được việc tinh giản biên chế bởi thực tế chủ trương này đã có từ rất nhiều năm trước đó nhưng “chúng ta có làm nổi đâu”. Khi có Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, số 19 của Ban Chấp hành Trung ương thì đã làm được.
“Quá trình đó chúng ta sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chứ không thể cầu toàn hết được. Chúng ta sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu và sau đó cơ cấu lại và tiếp tục hoàn thiện thêm từng bước”, Bộ trưởng cho biết. Đồng thời, thể hiện rõ tinh thần cầu thị khi nêu rõ, trong việc thực hiện tới đây phải cân nhắc, xem xét, căn cứ trên cơ sở khoa học, nhất là đối với những địa bàn có quy mô dân số lớn, khối lượng công việc lớn mà số biên chế quá thấp để điều chỉnh cho hợp lý. Hay trong sửa đổi Nghị định số 34 của Chính phủ, ngoài việc phân bổ số lượng biên chế theo phân loại đơn vị hành chính sẽ tính thêm một yếu tố liên quan đến quy mô dân số để bảo đảm cho các địa phương quá đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... “Chúng tôi sẽ phải cộng thêm, ngoài quy định theo quy mô dân số, báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, sau đó giao lại cho địa phương để địa phương tự phân bổ cho phù hợp, bảo đảm được mối quan hệ giữa việc giảm biên chế với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cùng một lúc phải thực hiện được điều đó”, Bộ trưởng nêu rõ.
Từ những kết quả và tồn tại trong thực hiện tinh giản biên chế vừa qua, một số đại biểu cũng e ngại việc thực hiện mục tiêu tại Quyết định số 40 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2026 phải giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chân thành nói “làm thế nào để thực hiện được thì đây cũng là một bài toán đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc và quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng sức, đồng lòng để thực hiện thì mới có thể triển khai và đáp ứng được”.
Cho rằng có rất nhiều giải pháp lớn để thực hiện hai mục tiêu trên, song, Bộ trưởng cũng chỉ rõ 3 nhóm giải pháp phải tập trung thực hiện. Một là, tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh cho đến Trung ương. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã. “Để thực hiện được giảm biên chế thì không còn cách nào khác là phải tiếp tục cơ cấu lại và sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Từ Trung ương đến địa phương đều phải làm, Trung ương gương mẫu và địa phương cùng thực hiện”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh. Hai là, tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm, trên cơ sở đó xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Đây là một việc phải cố gắng làm nhanh vì đây là cơ sở để xác định biên chế cho rõ ràng hơn. Ba là, hơn lúc nào hết, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để làm sao số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
“Chúng tôi đã phân cấp triệt để vấn đề đào tạo, bồi dưỡng”
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ và trách nhiệm của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Như chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) về việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm được quy định tại Thông tư 06, Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập, dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên, bố trí giáo viên không đúng việc làm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thẳng “thực chất, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm mà chỉ có thẩm định biên chế viên chức hàng năm để các đơn vị căn cứ vào đó, theo quy định của Luật Viên chức, các địa phương sẽ thông qua Hội đồng nhân dân quyết định. Cùng với đó, Bộ Nội vụ có trách nhiệm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ và theo đó báo cáo với cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế viên chức, nhất là biên chế viên chức giáo dục để đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên, nhưng phải bảo đảm một cách rất hợp lý và phải bảo đảm theo định mức".
Hay với chất vấn của ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn: thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều đổi mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo và gần như là đã cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. Trong đó, đã giảm 152 chứng chỉ với có 61/63 chứng chỉ công chức đào tạo, bồi dưỡng và 89/145 chứng chỉ đối với viên chức, là một gánh nặng rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm luôn cả chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.
“Như vậy, có thể nói là chúng ta đi vào thực chất, không phải là chạy theo chứng chỉ, hình thức nữa. Việc này được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của cử tri và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các đại biểu đã thấy rõ và chúng tôi cũng kiên quyết làm triệt để. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 89 điều chỉnh lại về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất trên cơ sở vị trí việc làm, trên cơ sở chức danh lãnh đạo, đơn giản hóa đi rất nhiều nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng... Chúng tôi cũng đã phân cấp triệt để vấn đề đào tạo, bồi dưỡng. Rất mong các địa phương, các bộ, ngành căn cứ vào Nghị định 89 cũng như Nghị định 101 để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần này”, Bộ trưởng nói.
Trong khoảng hai giờ đồng hồ, đã có hơn 30 lượt ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tập trung vào hầu hết những vấn đề đang rất “nóng bỏng” của ngành nội vụ hiện nay như: tinh giản biên chế; cải cách chính sách tiền lương; tình trạng cán bộ, viên chức thôi việc; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo; sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn; giải quyết cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...
Thẳng thắn, trực diện vào nội dung chất vấn, rành mạch trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, không né tránh những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, chân thành chia sẻ những vấn đề khó và kiên định những vấn đề mang tính nguyên tắc để vừa giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn, vừa phải đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra... - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã thuyết phục được các đại biểu Quốc hội khi không có đại biểu nào phải sử dụng đến quyền tranh luận với Bộ trưởng (có đại biểu sử dụng quyền tranh luận nhưng là với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV). Cuối giờ chiều qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận “Bộ trưởng đã hoàn thành tương đối tốt phần trả lời”. Sáng nay, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ sẽ còn thời gian khoảng 1 giờ. Nhưng với sự thể hiện của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chiều qua, có thể thấy rằng, phiên chất vấn sẽ đáp ứng được yêu cầu của các ĐBQH, của cử tri và nhân dân cả nước.