Cầu nối sân khấu với thiếu nhi

Lê Thủy 05/10/2009 00:00

Từ năm 2007 đến nay, với 12 vở kịch đề cập những vấn đề thiết thân của trẻ em, dự án Tiếng nói trẻ thơ tại Việt Nam đã là cầu nối đưa nghệ thuật đến với đông đảo thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em thiệt thòi, ở vùng sâu, vùng xa.

04-Cau-noi-27809-300A2.jpg

Nhân dịp tổng kết 3 năm thực hiện dự án Tiếng nói trẻ thơ, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức tọa đàm Sân khấu cho trẻ em nhằm đánh giá quá trình thực hiện, thành quả của dự án tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nhằm tiếp tục mang nghệ thuật đến với trẻ em.

Sân khấu chuyên nghiệp cho thiếu nhi

Dự án Tiếng nói trẻ thơ đã và đang được 16 đơn vị sân khấu tại châu Á cùng Trung tâm Hiệp hội Sân khấu Thế giới tại Thụy Điển (ITI) thực hiện. Bắt đầu từ năm 2004, dự án được thực hiện tại ấËn Độ và Bangladesh theo một chương trình kéo dài 5 năm. Năm 2007, dự án được mở rộng với 12 đơn vị nghệ thuật tại Trung Quốc, Việt Nam và Lào với chương trình thiết kế giới hạn trong 3 năm. Tại Việt Nam, các đơn vị tham gia dự án gồm Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội và Nhà hát Sân khấu nhỏ, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh.

Tiếng nói trẻ thơ tập trung vào các chủ đề: quyền trẻ em, bình đẳng giới, môi trường và những đối tượng chịu thiệt thòi. Dự án coi trọng mục tiêu xây dựng sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp cho thiếu nhi, bên cạnh một mục tiêu quan trọng khác là đào tạo kịch cho trẻ em để phát triển tính sáng tạo và sự tự tin của chúng. Tuy vậy, theo Giám đốc điều phối dự án Christina Nygren: “Chất lượng nghệ thuật luôn là vấn đề cần tập trung. Những vở diễn chất lượng cao sẽ thu hút được khán giả, bất kể họ đề cập đến đề tài nào”.

Đến nay, tính cả Nam Á và Đông Nam Á đã có khoảng 4.000 buổi diễn được đưa tới khoảng 2 triệu trẻ em; 40.000 trẻ em đã được tham gia vào các cuộc tập huấn ngắn và dài hạn cùng các hội thảo, thảo luận. Gần 500 trường học đã hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật tham gia dự án, nhằm thúc đẩy giáo dục sân khấu trong trường học. Theo báo cáo của các đơn vị tham gia dự án tại châu Á, nhu cầu của công chúng đối với các hoạt động sân khấu cho và cùng trẻ em đã tăng lên đáng kể so với thời kỳ chưa có dự án. Số lượng trường học muốn được hợp tác với sân khấu cũng nhiều hơn. Nhu cầu buổi diễn cũng như các buổi thảo luận và tập huấn với sự tham gia của trẻ em cũng tăng…

04-Cau-noi-27809-300A3.jpg

Giữ thế giới riêng cho trẻ em

NSƯT Lê Chức chia sẻ: chúng ta nên giữ cho trẻ em thế giới riêng của chúng. Trong các chương trình dành cho trẻ em, nên nói những vấn đề mà trẻ em quan tâm, không dùng tư duy của người lớn áp đặt cho trẻ. Có thể nói, với dự án Tiếng nói trẻ thơ, trẻ em cảm thấy được tôn trọng, bởi các em không chỉ được xem một chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sỹ, mà các em còn được trực tiếp tham gia một số vở kịch và tự tạo ra sân khấu cho chính mình. Chính các nghệ sỹ đã gieo vào lòng các em tình cảm bạn bè, gia đình, chia sẻ tình yêu thương cho những em khuyết tật, mồ côi, giúp các em thấy yêu cuộc sống hơn.

Trực tiếp tham gia dự án, NSND Lê Khanh cho biết: phần lớn các em thiếu nhi chỉ tiếp xúc với nhân vật trong truyện, nhưng khi được xem diễn trực tiếp, có nhân vật hiện hữu trên sân khấu, có thể cùng chơi, cùng vui cùng sáng tạo, gặp gỡ các nghệ sỹ khiến các em rất thích. Bằng nghệ thuật sân khấu hiện đại, hài hước, hấp dẫn có lồng ghép giáo dục ý thức, hành vi đạo đức cho học sinh một cách nhẹ nhàng, đã giúp các em có ấn tượng sâu sắc hơn về các câu chuyện và củng cố vững chắc hơn các bài học đạo đức trong sách vở, góp phần hình thành và phát triển nhân cách của các em.

Từ cuối năm 2007 đến nay, mỗi năm gần 100 nghệ sỹ của 4 đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ đã biểu diễn khoảng 100 buổi phục vụ miễn phí hơn 250.000 trẻ em khuyết tật, trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn ở các quận, huyện Hà Nội, và các tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Nam Định… Các nghệ sỹ đã đem đến cho các em những câu chuyện giản dị, gần gũi, qua đó giáo dục các em biết yêu cuộc sống, biết chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ người khác, tự tin hòa nhập cộng đồng… Nhà hát Tuổi trẻ, Báo Tuổi trẻ, nhóm tình nguyện Chắp cánh ước mơ và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng hợp tác tổ chức mô hình Nhà hát bệnh viện, bắt đầu từ ngày 1.6 vừa qua. Dự tính trong một năm, Nhà hát bệnh viện sẽ có ít nhất 8 vở diễn chất lượng cao phục vụ hơn 3.200 lượt bệnh nhi. Mô hình này hy vọng đem lại những liệu pháp tinh thần quý báu, tiếp sức và mang hy vọng đến cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư và bệnh viện K Tam Hiệp ở Hà Nội...

Dự án Tiếng nói trẻ thơ không chỉ mang sân khấu đến với đông đảo thiếu nhi mà còn có tác động nhất định đối với nghệ sỹ. Trong thời gian thực hiện dự án, các chuyên gia, nghệ sỹ biểu diễn của Thụy Điển đã sang tập huấn cho các nghệ sỹ Việt Nam phong cách diễn xuất và dàn dựng tác phẩm nghệ thuật cho trẻ em. Qua đó, góp phần xây dựng một sân khấu chuyên nghiệp cho thiếu nhi.
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cầu nối sân khấu với thiếu nhi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO