Cầu đồng tồn dị

Kim Chi 20/09/2012 08:18

Bất chấp các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã phải thu xếp chuyến công du Nhật Bản và Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng do tranh chấp lãnh thổ. Chuyến thăm châu Á thứ ba của ông chủ Lầu Năm Góc trong vòng 11 tháng qua là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền Barack Obama chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình dương. Cầu đồng tồn dị - tìm điểm tương đồng, gác lại khác biệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và người đồng nhiệm nước chủ nhà Lương Quang Liệt hôm 18.9
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và người đồng nhiệm nước chủ nhà Lương Quang Liệt hôm 18.9

Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của ông Panetta trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang cực kỳ căng thẳng liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, chuyến thăm này vì thế được xem là một sứ mệnh khó khăn với ông Panetta. Trước khi tới Bắc Kinh, ông đã thăm Tokyo và cùng công bố thỏa thuận về việc Mỹ xây dựng hệ thống radar chống tên lửa thứ hai trên lãnh thổ Nhật Bản. Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc, gọi đây là hành động “đổ thêm dầu” vào tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.

Quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lâu nay vẫn tồn tại những vướng mắc xung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền, quan hệ của Mỹ với Đài Loan, tỷ giá đồng nhân dân tệ và những tranh chấp thương mại. Mới đây nhất, Mỹ và Trung Quốc lại đưa nhau ra kiện tụng trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, Washington còn tỏ ra lo ngại về việc Bắc Kinh không ngừng gia tăng tiềm lực quân sự và hoạt động quân sự ở những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc của ông Panetta rõ ràng nhằm mục đích gây dựng lòng tin, tìm điểm tương đồng để hạn chế những khác biệt.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, chuyến công du của ông Panetta sẽ khơi dậy  mục tiêu chung là xây dựng mối quan hệ minh bạch và thậm chí là tin tưởng hơn giữa quân đội hai nước. Một số học giả quân sự Trung Quốc thì nhận định chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm mục đích để Trung Quốc hiểu hơn về chiến lược mới của Mỹ là chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhất là trong bối cảnh thế giới xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh như hiện nay, hai bên càng nhận thấy cần phải bắt tay hợp tác và tranh thủ lẫn nhau. Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản – quốc gia đồng minh đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng để tránh tình thế khó xử với Bắc Kinh, Washington phải xoa dịu giới lãnh đạo Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác quân sự cũng như cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ để gây dựng lòng tin.

Trong các cuộc hội đàm với Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người được đánh giá sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sau kỳ Đại hội Đảng tới, và Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, ông Panetta khẳng định trọng tâm của Mỹ ở châu Á không nhằm vào Trung Quốc và mục tiêu của Mỹ tại châu Á - Thái Bình dương là thúc đẩy thịnh vượng, vì an ninh chung của toàn khu vực.

Trong nhiều lần phát biểu trước báo giới, các quan chức cấp cao của Mỹ luôn phủ nhận những cáo buộc rằng sự hợp tác quân sự và những cuộc tập trận giữa nước này với Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực châu Á là nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nghi ngờ những tuyên bố và hành động của Mỹ bởi lẽ Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi “Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ” năm 1960, vốn quy định Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho rằng chính sách quốc phòng mới của Mỹ và sự tăng cường hợp tác quân sự với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình dương. Vì thế, chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ được cả hai phía nhìn nhận là có mong muốn giảm dần sự nghi ngờ lẫn nhau. Duy trì sự giao lưu quân sự song phương có lợi cho việc tránh phán đoán nhầm các loại nguy cơ khi xuất hiện những vấn đề mang tính bất ngờ.

Chuyến thăm Nhật Bản và Trung Quốc của ông Panetta còn được xem là nhằm thực hiện sứ mệnh hòa giải giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á. Trong chuyến thăm Tokyo, ông đã kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế, tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày càng trầm trọng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Panetta nêu rõ việc Nhật Bản và Trung Quốc duy trì quan hệ tốt và tìm cách tránh leo thang căng thẳng sẽ có lợi cho tất cả các bên. Ông khẳng định mọi hành động đi quá giới hạn có nguy cơ đẩy khu vực Đông Á tới chiến tranh.

Nhận định về kết quả chuyến đi của ông Panetta, một số nhà phân tích cho rằng chuyến công du này chỉ là sự thể hiện “tính hợp thời của chiếc mặt nạ”, quan hệ Trung-Mỹ sẽ không vì chuyến thăm mà có được bất cứ lợi ích gì. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận định chuyến đi dù chưa thể giải quyết được những bất đồng giữa hai nước và trong khu vực, song cũng giúp các mối quan hệ này không vì những diễn biến căng thẳng ở khu vực xấu hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cầu đồng tồn dị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO