Câu chuyện “kính thưa”
Tại phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI diễn ra chiều ngày 12.7 đã có một nội dung được thảo luận khá rôm rả: câu chuyện xoay quanh 2 chữ "kính thưa".
Bắt đầu từ phát biểu của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận. Theo Phó chủ nhiệm Thuận "Nếu không ghi kính thưa, kính gửi đầy đủ thì sợ lại bị cho là lấc cấc nhưng nếu kính thưa hết thì cũng dài". Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Vũ Mão cho rằng: “Thực ra ta không kính thưa hết thì cũng không có nghĩa là không tôn trọng. Theo tôi, tại hội trường QH, các bài phát biểu chỉ nên bắt đầu thế này: thưa đoàn chủ tịch, thưa các vị đại biểu và thưa các vị khách quý...". Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu lên tiếng: “QH họp tại hội trường là làm việc chứ có phải mít tinh, kỷ niệm gì mà phải kính thưa. QH các nước họ họp làm gì có kính thưa gì?". Ông nói tiếp: "Tôi đề nghị, chỉ tại phiên khai mạc và phiên bế mạc, trong bài phát biểu của Chủ tịch QH thì kính thưa đầy đủ chứ cắt hết ngay cũng hơi khó. Còn mọi phiên họp khác chỉ cần nói thưa các vị đại biểu và thưa các vị khách là đủ chứ không nên cứ phải thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thưa các đoàn đại biểu, các vị khách quý...".
Đây là chuyện tưởng là nhỏ nhưng thực ra không nhỏ chút nào. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành một nghị định về vấn đề lễ nghi trong các lễ kỷ niệm, mít tinh, hội nghị, các cuộc họp của Nhà nước trong đó quy định rất rõ về chuyện “kính thưa", “kính gửi", việc tặng hoa, quà, chụp ảnh... Trong đó, Chính phủ yêu cầu là chỉ “kính thưa” một đồng chí lãnh đạo cao nhất tại phiên họp đó, lễ kỷ niệm, mít tinh đó... Cho đến nay, nhiều hội nghị, nhiều lễ kỷ niệm, mít tinh ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa thực hiện được. Cho nên, nếu QH lại gương mẫu trong câu chuyện “kính thưa", chắc chắn là ở nhiều cuộc hội họp, lễ tân... từ nay về sau, người ta sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe những “kính thưa” tràng giang đại hải chỉ vì nhà tổ chức sợ mang tiếng "thất lễ".
Chúng ta đã bước vào thời kỳ Hội nhập quốc tế cho nên cần làm quen với các thông lệ quốc tế. Chắc là chả có nước nào “Kính thưa” nhiều như nước ta. Phong kiến lâu năm như nước Trung Hoa người ta cũng chỉ “Kính thưa” độ hai câu mà thôi. Mỗi vị ĐBQH chỉ được nói trong một thời gian ngắn, vì vậy theo tôi trừ ngày khai mạc có nhiều vị lão thành cách mạng tham dự còn trong các phiên họp bình thường chỉ nên nói “Kính thưa Quốc hội” là đầy đủ rồi. Đoàn Chủ tịch cũng là thành viên Quốc hội, các đồng chí ấy cũng chả phật lòng gì vì thiếu câu “Kính thưa Đoàn Chủ tịch” (nhiều người lại gọi là Đoàn Chủ tọa). Ngoài phiên khai mạc và bế mạc thì thường hàng chục dãy ghế dành cho các vị khách quý chỉ có một vài vị đến tham dự. Chiếu trên truyền hình thấy nhiều hàng ghế trống thật là bất tiện, dân chúng tưởng nhầm là các vị ĐBQH trốn họp (nên chăng để các vị khách quý ngồi trên gác như các vị khách nước ngoài). Các vị tuổi cao cả rồi, nên để các vị ra vào lúc nào cũng được, như vậy thoải mái hơn nhiều so với ngồi ở tầng dưới phía trước. Các vị cũng chả thích thú gì khi mỗi ĐBQH đều phải nhắc lại câu “Kính thưa các vị khách quý”.
Việc tôn trọng biểu hiện ở tấm lòng chứ đâu ở lời nói khách khí. Chính phủ đã có Nghị quyết chỉ “Kính thưa” một vị thôi, vậy mà việc các nơi không chịu thực hiện rõ ràng là thiếu ý thức chấp hành kỷ luật. Quốc hội nên gương mẫu để tạo ra thói quen cho cả xã hội trong việc chống bệnh hình thức, khách sáo. Ngay trong kỳ họp thứ II của Quốc hội Khóa I (1946), khi đọc bản báo cáo về ngoại giao đồng chí Phạm Văn Đồng cũng chỉ mở đầu bằng hai câu: “Thưa cụ Chủ tịch, Thưa các vị đồng viện”. Như vậy là thưa với người cao nhất và thưa với toàn thể các vị ĐBQH. Bây giờ tham dự các kỳ họp có đủ cả 4 vị lãnh đạo cao nhất, còn có cả Chủ tịch MTTQ Việt Nam, nếu ai cũng kính thưa cả 5 vị thì mất nhiều thời gian quá. Cho nên nếu như chưa đồng ý với tôi là chỉ “Kính thưa Quốc hội” thì cũng chỉ nên thưa hai câu là cùng “Kính thưa các vị lãnh đạo, Kính thưa Quốc hội”, hoặc là “Kính thưa Đoàn Chủ tịch, Kính thưa Quốc hội” (*). Tôi mong vấn đề này sẽ được trao đổi trong phiên họp trù bị của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XII.
Gs Nguyễn Lân Dũng
*. Theo NĐBND thì “Kính thưa QH” là được. Còn “Kính thưa Đoàn chủ tịch” như tác giả đề xuất thì sai luật vì, chúng ta không có Đoàn chủ tịch kỳ họp, Đoàn chủ tịch QH.