Ý kiến cử tri

Câu chuyện giá thịt lợn và sự điều tiết của Nhà nước

- Thứ Năm, 21/05/2020, 10:26 - Chia sẻ
Nhà nước điều tiết thị trường phải bằng quy luật thị trường. Cụ thể, trong câu chuyện giá thịt lợn, việc cho nhập khẩu thịt lợn chính là việc Nhà nước tăng cung cho thị trường mới mong giảm giá, cho nhập thời điểm nào, số lượng bao nhiêu là vừa thì do các nhà hoạch định chính sách phải làm. Nếu chỉ trông chờ vào các mệnh lệnh hành chính và sự “hảo tâm” của các nhà sản xuất e khó kéo được giá thịt lợn xuống như trước khi có dịch tả lợn. Mong rằng, thời gian tới, với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, giá thịt lợn hơi nói riêng, giá thực phẩm nói chung sẽ được bình ổn, mọi thành phần trong xã hội đều được hưởng lợi.

Phải dùng quy luật của thị trường để điều tiết

Từ mấy tháng nay, người dân luôn nhận được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Chính phủ sẽ quyết tâm hạ giá thịt lợn hơi xuống dưới 70 ngàn đồng/kg. Nghe thì nghe vậy nhưng khi họ vẫn phải chi ra khoản tiền lớn nếu muốn bữa ăn gia đình có món thịt lợn, chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy giá thịt lợn giảm. 


Chú trọng vấn đề an toàn cho việc tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi Ảnh: Như Quỳnh

Đã có những câu hỏi được đặt ra, vì sao Chính phủ cứ “nói mãi” mà giá thịt lợn không thấy xuống? Sao Chính phủ không cho nhập thịt lợn ngay từ sớm để người tiêu dùng được hưởng lợi?  Hay là có sự tiêu cực nào đó từ sự chậm trễ nhập khẩu thịt lợn để các doanh nghiệp hưởng lợi?... Không thể cấm người dân có những băn khoăn như vậy, nhưng đó là biểu hiện người dân chưa thật sự tin tưởng vào sự điều hành của Nhà nước với thị trường.

Mới đây, Chính phủ lại họp với một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn để yêu cầu họ và họ đã hứa sẽ giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống dưới 70 ngàn đồng/kg từ ngày 1.4.2020. Đây đã phải là cách điều hành thị trường hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hay chưa? Nền kinh tế của Việt Nam chúng ta là kinh tế thị trường có định hướng XHCN, tức là để cho sản xuất thực hiện theo kinh tế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm cho lợi ích mọi thành phần trong xã hội được hài hòa (lợi ích Nhà nước - người sản xuất - người lưu thông - người tiêu dùng), không để xảy ra những biến động lớn làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Chúng ta đều biết, đã là kinh tế thị trường thì phải dùng quy luật của thị trường để điều tiết, chứ nếu chỉ là biện pháp hành chính, là vận động, yêu cầu thì chưa đủ. Trong câu chuyện giá thịt lợn thì chúng ta càng rõ, đó là quan hệ cung - cầu, khi cầu quá xa với cung thì giá cả vượt xa giá trị. Và rõ ràng, sau dịch tả lợn tổng đàn lợn đã giảm xuống quá lớn, lượng thịt lợn cung ra thị trường giảm mạnh đương nhiên giá bán phải tăng. Đáng lý ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương phải sớm tham mưu cho Chính phủ về kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn, bởi vì từ khi quyết định đến khi thịt lợn về đến người tiêu dùng có một độ trễ nhất định.

Tăng cung cho thị trường mới mong giảm giá

Còn câu chuyện vận động hay để người tiêu dùng chuyển dần thói quen sang sử dụng các thực phẩm thay thế như: Thịt gia cầm, gia súc, cá... Hãy nhìn lại giá các mặt hàng thực phẩm thịt hiện nay trên thị trường để chúng ta lý giải việc này. Trong lúc thịt lợn quá cao thì thịt gà, vịt lại xuống quá thấp, người chăn nuôi gà thì còn ở mức hòa hoặc có lãi chút ít, còn người chăn nuôi vịt thì bán 1kg vịt hơi không bằng giá một con vịt giống lúc đưa vào nuôi và dẫn tới lỗ nặng. Điều này, càng minh chứng cho việc giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu của mỗi loại hàng hóa, sự thay thế nhau chỉ ở một mức độ mà thôi.

Lý giải việc người tiêu dùng giảm mua thịt lợn để chuyển sang thịt gia cầm? Có chứ, nhiều người đã chuyển nhưng không thể thay thế hoàn toàn nhu cầu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn. Mặt khác, sự suy tính có lý của các bà nội trợ, với số tiền như nhau nếu mua thịt lợn chỉ cần mua 300gram là đủ bữa ăn, nhưng nếu mua gà, hoặc vịt thì phải mua cả con hoặc ít nhất nửa con thì lại không đủ tiền, nếu có cố mua thì ăn không hết hóa ra lãng phí.

Một vấn đề tưởng như nghịch lý, đó là, khi bị dịch tả lợn châu Phi thì người chăn nuôi lợn được Nhà nước hỗ trợ khi bị tiêu hủy (nói chung người chăn nuôi lợn không bị lỗ), nhưng khi được giá, lãi cao, Nhà nước yêu cầu giảm giá bán lợn để bình ổn thị trường thì họ “phớt lờ”, nhưng lại không nghịch lý, mà cũng chẳng trách được họ. Bởi vì, đã kinh doanh thì lợi nhuận là trên hết, còn việc điều tiết, bình ổn giá thị trường là trách nhiệm của Nhà nước.

Như vậy, Nhà nước điều tiết thị trường phải bằng quy luật thị trường, một mặt tôn trọng quy luật khách quan của kinh tế thị trường (trong điều kiện thị trường không có biến động lớn); một mặt sử dụng quy luật thị trường để điều tiết thị trường (khi thị trường có biến động lớn). Cụ thể, trong câu chuyện giá thịt lợn, việc cho nhập khẩu thịt lợn chính là việc Nhà nước tăng cung cho thị trường mới mong giảm giá, việc cho nhập khẩu thời điểm nào, số lượng bao nhiêu là vừa thì do các nhà hoạch định chính sách phải làm. Nếu chỉ trông chờ vào các mệnh lệnh hành chính và sự “hảo tâm” của các nhà sản xuất thì e khó kéo được giá thịt lợn xuống như trước khi có dịch tả lợn.

Mong rằng, thời gian tới, với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, giá thịt lợn hơi nói riêng, giá thực phẩm nói chung sẽ được bình ổn, mọi thành phần trong xã hội đều được hưởng lợi.

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương