Câu chuyện đầu năm

31/12/2006 00:00

Đó là chuyện “trò Trí ở Vĩnh Long”, đang chiếm giữ nhiều cột báo những ngày cuối 2006. Chọn chuyện trò Trí để to nhỏ về ngày cuối của một năm sôi động với biết bao sự kiện, mà đáng ra phải là “ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới”, rồi “con thuyền đất nước đã tiến ra biển cả của hội nhập toàn cầu”, không thì cũng “duyên dáng Việt Nam” nơi “Hòn Ngọc” đang hút hồn bao nam thanh nữ tú kia, để khơi mào cho cảm hứng đầu năm là cái cớ làm sao?

      Xin thưa, là cái cớ của nghịch lý và phát triển “Những bài học từ Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Đại học Tổng hợp Geneva tổ chức giữa tháng 12 tại Thụy Sĩ xa xôi xem ra lại có “giây mơ, rễ má” tới chuyện nhỏ này. 
      Khỏi phải nhắc lại nội dung và diễn biến, kể cả bức thư tâm tình của một Bộ trưởng xoay quanh chuyện nhỏ này, mà xin vào ngay nghịch lý : Trừng phạt hay biểu dương? Ngợi ca hay chê trách? Tiểu tiết và đại sự xoay quanh sự nghịch ngợm của một tính cách với sự hồn nhiên của hành vi vi phạm pháp luật, và ý thức cảnh báo đầy tự tin của một bản lĩnh có trí tuệ rất thông minh cùng với trách nhiệm công dân của cậu học sinh 17 tuổi ở Vĩnh Long?

      Mà vì cớ gì, người lớn cố tình gán cho trò nghịch ngợm trẻ con thay ảnh vào đúng ngày 20.11, trong khi cậu học trò này đoan chắc làm việc đó vào ngày 27.11 vì em “không hề có ý xúc phạm thầy bộ trưởng vào ngày mà hằng năm vẫn mong đến nhanh hơn để được chúc mừng thầy cô”. Ứng xử “sư phạm” nhất, nhân ái nhất , rộng lượng nhất và đáng mặt người thầy nhất, là tin vào lời của em. Ngay trong tình tiết nhỏ này, người lớn cũng phải tự vượt qua chính mình để  thông cảm và trân trọng sự trong trắng và trung thực của một học sinh phổ thông. Nhưng xem ra chuyện vượt qua này cũng là một nghịch lý thì phải! 
      Thông thường, hình như người lớn thích loại con cháu “gọi dạ bảo vâng” và dường như đối với các cháu bé thì không “đức tính” nào người lớn thú vị bằng sự vâng lời. Xưa kia, trong lối mòn của đạo đức học Nho giáo thì đó là “nối tiếp, làm theo, không thay đổi (kế, thuật, vô cải). Ấy thế mà, cách đây 6 năm, nhiều người lại tỏ ra thích thú khi tôi đưa lại tin về Tạp chí “Time” trao giải nhất câu hỏi dành cho lứa tuổi từ 16 đến 18 : “Ai là nhân vật quan trọng nhất thế kỷ XXI” cho cô bé Carolin Pan của Philippines.  Câu trả lời của em thật độc đáo : “Tôi”! Tôi sẽ hét to lên điều này với tất cả thành phố nếu cần phải như vậy. Tôi cho rằng chính tôi, một học sinh trung học, là người quan trọng nhất thế kỷ. Tôi còn chưa ghi dấu ấn của mình vào lịch sử thế giới, và tôi không khao khát trở thành một Albert Einstein hay một Bill Gates khác. Bởi vì tôi chỉ muốn là tôi… Chúng ta không biết cái gì hay hơn sao? Chúng ta không thể ghi dấu ấn bằng chính con người thực sự là của mình hay sao? " Liệu, với chúng ta, ta có trao giải nhất cho một cô học trò 16 tuổi, tuổi của trò Trí của chúng ta nay, với câu trả lời “có vẻ ngỗ ngược” như vậy không? 
      Xin gợi ra ba ví dụ trong lịch sử thay cho câu trả lời trực tiếp :
      * Vào đầu thế kỷ XII, Thiền sư Quảng Nghiêm, tác giả của bài thơ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng đi theo bước Như Lai) viết: Nam nhi tự hữu xung thiên chí, Hưu hướng Như Lai hành xứ hành (Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm, Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai). Xin lưu ý, đây là lời của một bậc trí giả đi tu, một thiền sư!
      * Trần Quốc Toản vì giận mình mới 16, chưa đủ tuổi cầm quân, bóp nát quả cam cầm trong tay lúc nào không hay, bất tuân lệnh Vua, từ Hội nghị Bình Than trở về, tự động lập đạo quân tuổi thiếu niên với là cờ “Phá cường địch, báo Hoàng ân”, lập được chiến công, hy sinh lúc 18 tuổi, được Trần Nhân Tông phong tước Hoài Văn vương.
      * Nhà bác học lừng danh Lê Quý Đôn hồi nhỏ là một cậu bé tinh nghịch, tuy nổi tiếng là thâçn đồng nhưng cha mẹ luôn phiền lòng với thói “rắn đầu” của cậu con ngỗ ngược, tương truyền Lê Quý Đôn làm bài vịnh rắn để tạ tội với thầy học và với cha mẹ, nhưng cũng để biểu lộ cái chí khí và tính cách của mình, bài “Rắn đầu biếng học”  với nhiều tên các loài rắn: “Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà, Rắn đầu biếng học lẽ không tha, Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ, Nay thét mai gầm rát cổ cha. Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,…,Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”.
      Thì ra, xưa nay, không thiếu những nghịch lý. Mà liệu có sự phát triển nào lại không là sự vượt qua những nghịch lý để bứt lên, vươn tới những cái mới thoạt nhìn có vẻ ngược đời theo cái lôgic “những chân lý khoa học bao giờ cũng ngược đời,nếu người ta phán đoán về chúng trên cơ sở kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm này chỉ nắm được cái bề ngoài giả dối của sự vật” mà cụ Mác đã chỉ ra!
      Vậy thì, chúng ta sẽ cứ bằng lòng và an tâm với những em học sinh hiền lành, dễ bảo, cung cúc làm theo mọi sự chỉ dẫn trong gia đình và nhà trường để rồi cũng sẽ ngoan ngoãn và dễ bảo khi là công dân trong xã hội, tự bằng lòng với những ân  huệ được ban phát, vâng chịu tuân thủ phương châm “nối tiếp, làm theo, không thay đổi”, hay chúng ta chủ động tạo ra một tâm thế, một dư luận, một cơ chế khuyến khích những tài năng bứt phá, những bản lĩnh dám tìm tòi sáng tạo mà thông thường thì không là sản phẩm đại trà? Thì tổng kết của chủ tọa cuộc Hội thảo nói trên về hai khái niệm “Kỳ diệu” và “Nghịch lý” chẳng đã gợi ra đó sao khi Việt Nam đã “nhận thức được thách thức và đang vật lộn với những giải pháp. Mà giải pháp thì không ai khác chính là người Việt Nam phải lao tâm khổ tứ để tìm ra”! Những giải pháp cho một đất nước biết cách bứt lên trong cái thế giới đầy biến động mà kiểu tư duy tuyến tính đã tỏ ra bất cập. Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn thuần của quá khứ, sẽ cảm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.
      Liệu ngôi sao mới nổi trên bầu trời mà không có ánh sáng riêng của mình thì có bị chìm lấp giữa bầu trời đầy sao không nhỉ? Giải pháp nào cho cái ánh sáng riêng đó, chính là câu chuyện đầu năm,  với hy vọng là một năm của bứt phá để vươn lên, xin được đặt ra.

Tương Lai

    Nổi bật
        Mới nhất
        Câu chuyện đầu năm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO