Câu chuyện cái công tắc

Hồi nhỏ, quê nghèo. Nhà chưa có điện, chỉ thắp đèn dầu. Mỗi tối, bà ngoại lom khom thắp từng cây đèn. Lửa đầu tim đèn lúc nào cũng yếu, chập chờn. Có hôm gió lùa, chưa kịp ngồi vào mâm cơm, đèn đã tắt. Ngoại lặng lẽ mồi lại lửa. Không cáu gắt. Không trách đèn. Chỉ nói một câu, nhớ tới giờ: “Muốn sáng thì phải kiên nhẫn, cháu à. Lửa đâu có bốc lên cái ào được”.
Nhiều năm sau, làm cán bộ, đi qua nhiều cấp, từ xã đến tỉnh, rồi ra trung ương. Mỗi lần chứng kiến người dân thờ ơ, cán bộ than phiền “dân không hiểu chủ trương”, lại nhớ tới ánh đèn dầu của ngoại.
Và thầm nghĩ: có khi nào chúng ta đang mong lòng dân sáng lên như bật công tắc, mà quên mất phải nhóm lửa trước đã?

Không ai “bật công tắc” được lòng dân
Trong hành chính, nhiều thứ có thể làm rất nhanh nhưng có một thứ không bao giờ làm nhanh được: Lòng tin.
Lòng tin không có nút bật.
Không phải cứ họp báo thông báo xong là dân tin.
Không phải cứ gắn bảng “chính quyền thân thiện” là người dân cảm thấy thân thiện.
Không phải cứ nói “vì dân phục vụ” là người dân thấy mình được phục vụ.
Lòng tin giống như đèn dầu ngày xưa, phải châm lửa, phải ngồi bên, phải che gió, phải đợi.
Đợi cái tim đèn bắt đầu cháy. Đợi ánh sáng hắt lên. Và quan trọng nhất, là giữ cho nó không tắt.
Muốn dân tin, phải hiểu dân trước
Một ngọn đèn cần dầu, cần bấc, cần lửa.
Còn một người dân, cần được hiểu, được lắng nghe, được thấu cảm.
Không thể áp một quy định cho cả trăm hoàn cảnh. Không thể nói “dân phải thế này, cán bộ phải thế kia”, mà quên mất: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Con người thường mang sẵn trong người những thiên kiến, định kiến, sợ mất nhiều hơn được, và hay làm theo đám đông.
Có người dân cần một tờ giấy khai sinh gấp để lo chuyển viện.
Có người dân cần hỗ trợ vay vốn nhưng không biết chữ, ngại ký.
Có người chỉ mong cán bộ xã hỏi han một câu trong lần đến khám bệnh.

Có người từng bị từ chối hồ sơ, mang nỗi tủi thân theo suốt nhiều năm, đến mức không bao giờ dám bước vào trụ sở lần nữa.
Làm cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở, phải biết nhìn sâu hơn vào con người phía sau thủ tục. Cán bộ ở tỉnh, cũng cần xuống tận nơi, đứng trong hoàn cảnh đó, để thấy rằng một quy định dù hợp lý cũng có thể trở thành khô khan nếu thiếu sự lắng nghe.
Làm cán bộ, nhất là cấp gần dân nhất, phải biết nói chuyện với người dân. Phải biết “nói đúng”, và cũng phải “nói trúng”. Nói đúng là hiểu sự việc. Nói trúng là hiểu lòng người. Nói chuyện chủ trương quy định nhưng phải chuyển thành chuyện làng chuyện xóm, nói mở lòng người dân.
Người lãnh đạo không chỉ là người biết lý lẽ, mà còn biết lắng nghe, biết quan sát từng ánh mắt, từng nụ cười gượng, từng cái gật đầu miễn cưỡng. Bởi đằng sau cái gật đầu có thể là cái “không” chưa kịp nói. Đằng sau một cái im lặng có thể là cả một vùng ngờ vực chưa được giải tỏa.



Cán bộ là người thắp, không phải người bật
Cán bộ chính quyền là người thắp lửa lòng tin, chứ không phải người bật công tắc thành tích.
Ở cấp trung ương: thắp bằng những chính sách có hơi ấm của đời sống, có khoảng thở cho cơ sở, có chiều sâu của thực tiễn.

Ở cấp tỉnh: thắp bằng sự gắn kết giữa ngành dọc và ngành ngang, giữa công sở và cánh đồng, giữa văn bản và thực tế, thắp bằng hành động điều phối, lắng nghe, hóa giải, cùng xuống dân, cùng chịu trách nhiệm.
Ở cấp xã, phường: thắp bằng từng cái bắt tay, từng lời hứa nhỏ giữ trọn, từng cái con đường vá lại, cây cầu được sửa đúng lúc, từng phiên chợ quê được giữ gìn, từng sự đóng góp của người dân đều được trân trọng ghi nhận, tôn vinh.

Lòng tin dễ tắt nếu mình thờ ơ
Gió thổi tắt ngọn đèn không bao giờ báo trước.
Và gió của sự thờ ơ trong bộ máy công quyền cũng vậy.
Một công văn chậm trả lời.
Một cuộc họp kéo dài mà không bàn chuyện dân.
Một cửa công quyền sáng đèn mà người dân vẫn không dám bước vào.
Một cái nhăn mặt khi dân hỏi “sao giải quyết chậm vậy cô?”
Gió đó đủ tắt một ngọn lửa. Mà không ai biết.
Cho đến khi người dân không còn tìm đến chính quyền nữa.
Không phản đối. Nhưng cũng chẳng còn mong chờ.
Ngọn đèn của ngoại
Ngoại thắp đèn không để soi mặt mình.
Ngoại thắp để mâm cơm có ánh sáng.
Để người trong nhà nhìn thấy nhau mà gắp miếng cá, miếng rau.
Làm cán bộ cũng vậy.
Đừng thắp để soi cho mình rực rỡ.
Hãy thắp để xã hội ấm hơn, lòng người sáng hơn, công quyền gần hơn.

Nếu hôm nay, một người dân đi xe máy ghé trụ sở UBND xã phường, thấy một cán bộ mỉm cười ra đón, hỏi: “Chị cần giúp gì không?”, thì đó không chỉ là hành vi phục vụ. Đó là một que diêm nhỏ thắp lên ngọn đèn niềm tin, giữa thời đại mà người ta đang dần quen sống trong ánh sáng lạnh lùng của quy trình và công nghệ.
Và khi hiểu được rằng mỗi người dân là một cảnh đời, một câu chuyện riêng. Không ai giống ai, không ai vô lý cả, thì cán bộ không chỉ thắp lửa, mà còn giữ lửa được lâu. Bởi lửa của lòng tin, không cháy bằng thành tích, mà cháy bằng tình người.
Xin được gửi đến những người đang “thắp lửa” cho bộ máy âm thầm, lặng lẽ, nhưng sâu sắc.
Vì không có lòng tin, thì không có cải cách nào đủ sức đi xa.
Và không có hiểu dân, thì chẳng có lòng dân nào có thể gắn bó lâu dài.
Trình bày: Duy Thông