Cầu cho trời đất thuận hòa

Hoàng Chiến Thắng 23/01/2009 00:00

Ngày xuân ở vùng cao, trong cái se lạnh của tiết trời, trong sắc lộc biếc và đào phai còn có những bông mận trắng nở bung như mây bên sườn núi. Hòa cùng sắc xuân là không khí háo hức của những cư dân bản địa nô nức trẩy hội xuân. Đẹp là vậy, nhưng cái tết miền núi phía Bắc sẽ mất vui nếu thiếu đi hội Lồng Tồng.

      Hội Lồng Tồng là nghi lễ dân gian của cộng đồng Tày - Nùng và người  Dao, thường được tổ chức vào khoảng mùng 4 đến 10 tháng giêng, tùy thuộc vào sự xắp xếp của mỗi địa phương. Lồng Tồng là gọi theo cách của người Tày – Nùng còn người Dao gọi Lồng Tộng đều có nghĩa là xuống đồng với nhiều nghi thức và thành phần lễ hội sinh động. Vào ngày hội, tất cả mọi người trong thôn, trong bản đều tham gia làm lễ. Nhà nào cũng có mâm cúng, có gà luộc, có bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, cho âm dương, trên mỗi đĩa xôi có một con én màu đỏ làm bằng giấy đậu lên, những mơ ước, những khát vọng về cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở, an lành đều được gửi gắm tất cả vào trong đó. 
      Khi mặt trời lên, trống hội giục, các gia đình lần lượt đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản mường để chuẩn bị cho nghi thức cầu mùa. Mâm cúng được xếp theo hàng, trên cùng là mâm của thầy mo - người được kính trọng nhất và cũng là người giữ vai trò chủ trì các nghi lễ trong ngày hội. Người làm lễ đứng vòng quanh mâm cúng. Khi hương thắp, thầy mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng như tạ lễ thần Nông, Thiên địa, Sơn thần, Thủy thần... và Thành hoàng, những vị thần được cho là có tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của cư dân trong cộng đồng Tày – Nùng, Dao, cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt sinh sôi nẩy lộc, bản làng yên ấm. Thầy mo tay cầm nậm nước làm bằng vỏ bầu khô hứng ở đầu nguồn (do những sơn nữ đẹp nhất của các bản mường mang đến) ngửa mặt lên trời cầu khấn rồi vẩy nước ra khắp bốn phương. Đó là nước thiêng từ mường trời tưới xuống nhân gian cho cây tươi tốt, cho ruộng nương được mùa để tất cả người dân bản mường được hưởng phúc. Sau những nghi thức, sau đường cày khai hội là những quả còn xinh xắn rực rỡ sắc màu, những tua vải dài, lao vút lên không trung hướng đến hồng tâm trên ngọn nêu, nơi có hai vòng tròn cao thấp tượng trưng cho âm – Dương, cái gốc của vũ trụ và sinh ra vạn vật. Chiếc còn rời tay của người chủ hội đã bắt đầu cho cuộc vui. Trai gái xúm lại bên những chiếc còn, đón nhận bằng tình cảm, bằng sự chờ đợi. Ai cũng hy vọng chiếc còn của mình đi qua hồng tâm để âm - Dương giao hòa, mùa màng tươi tốt. Phía bên kia là những đôi mắt, những bàn tay xinh đang chờ đợi chiếc còn trao gửi tình cảm của người mình thương yêu. 
      Tiếp đó là những bài hát Sli mượt mà, tình cảm với những câu Lượn giao duyên rồi nhiều trò chơi khác như đi cà kheo, đánh quay, đánh yến, đá cầu, đẩy gậy... Trai gái có dịp trổ tài với bản mường làm người xem không muốn dứt trong tiếng Lượn nàng ới. Phần thưởng thường là mâm cỗ ngon nhất hội cho những ai thắng cuộc, tuy nhiên người chiến thắng lại đem chia cho mọi người, cùng hưởng phúc lộc ngày xuân. Trong ngày xuân tất cả những vật dụng, cây cối vật nuôi trong ngày tết đều được dán một mảnh giấy đỏ lên mình như khoác một tấm áo mới để vui cùng con người sau những ngày lao động vất vả. 
      Hội Lồng Tồng là lễ hội dân gian giàu bản sắc và sinh động trong các dạng thức biểu hiện. Tuy nhiên trước nguy cơ đồng nhất về văn hóa, cần có sự phục dựng và bảo tồn kịp thời để không mất đi một lễ hội đầy ý nghĩa trong ngày xuân và trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cầu cho trời đất thuận hòa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO