Cầu cho mưa thuận gió hòa…
Lễ hội mang đậm màu sắc cung đình - Lễ tế đàn Xã Tắc, một trong những tế lễ lớn và có tầm quan trọng thuộc hàng đại tự dưới triều Nguyễn, đã được tái hiện lần đầu tiên tại Festival Huế 2008 vào sáng 10.6.

Lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Di sản Văn hóa Huế. Trong rợp trời hương án, lọng tán, nghi trượng, cờ phướn, đầy đủ văn võ bá quan xếp hàng hai bên tả hữu đón nhà Vua đi ra từ cửa Ngọ Môn. Sau ba hồi chiêng trống, đi đầu là các đội nhạc lễ cung đình... đám rước di chuyển dọc theo đường 23 tháng 8, vào đường Lê Huân rồi rẽ lên đường Trần Nguyên Hãn đến đàn Xã Tắc. Đoàn xếp thành hàng dài, nghiêm trang, chỉnh tề bước đi trong tiếng chiêng, thanh la, bạt, trống. Dọc đường đám rước đi qua, ba án thờ đặt ở ba vị trí ngã ba, ngã tư đường Lê Huân, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi có đủ các bô lão và đội ngũ túc trực cung nghinh, quỳ lạy nghiêm trang. Đông đảo nhân dân và khách du lịch dõi theo với tất cả sự ngưỡng vọng và lòng thành kính của một lễ hội truyền thống.
Đàn Xã Tắc được xây dựng dưới thời vua Gia Long (1806) để tế thần đất (Xã) và thần ngũ cốc (Tắc), cầu cho mùa màng tươi tốt và cầu cho quốc thái dân an. Đàn được đắp bằng đất sạch của tất cả các địa phương trong nước góp về, và là di tích còn tương đối nguyên vẹn trong các di tích đàn Xã Tắc ở Việt Nam. Cùng với sự chấm dứt của vương triều Nguyễn, đàn Xã Tắc bị xâm chiếm và xuống cấp trầm trọng. Từ bấy đến nay, Lễ tế đàn Xã Tắc không còn nữa nhưng tinh thần và ý nghĩa nhân bản của nó vẫn còn tồn tại, nhất là đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta hiện nay. Sau lễ tế chính thức, nhân dân đến chiêm bái và dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
TTXVN