Câu chuyện về thủ tục hành chính dường như chưa bao giờ hết “nóng” đối với người dân và doanh nghiệp. Trên diễn đàn Quốc hội đây là vấn đề được không ít đại biểu Quốc hội đề cập đến. Và trong nhiều cuộc họp của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ cũng luôn “sát sạt” vấn đề này như là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Xác định rõ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nên Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ có một báo cáo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính gửi tới Quốc hội. Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, đó là quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian; thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà, chưa cụ thể nên hiệu quả chưa cao.
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, đã cắt giảm khá nhiều thủ tục hành chính nhưng việc thực hiện cắt giảm theo phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì việc thực hiện chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn chưa đạt như kỳ vọng. Các phương án tập trung nhiều nhất vào các đề xuất bổ sung phương thức thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến và đơn giản hóa về hồ sơ xin phép. Các đề xuất về đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh hay giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong một số trường hợp vẫn còn mang tính hình thức, thường ở mức đơn giản hóa thủ tục. Trong khi đó, các vấn đề lớn, tác động đến doanh nghiệp, dường như thiếu vắng trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Đơn cử, các quy định về quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy; các điều kiện kinh doanh bất cập, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh trước đây như quy định về yêu cầu lắp camera trên xe ô tô từ 9 chỗ trở lên... Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang chưa đáp ứng được mong muốn thực sự của người dân, doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính rườm rà là rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp; việc quá nhiều thủ tục hành chính không cần thiết không chỉ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp mà vô hình trung có thể làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp nếu muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh khi thực hiện đúng quy định. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 cũng cho thấy, gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai.
Nhận diện rõ những tồn tại để có giải pháp kịp thời là điều rất cần thiết; không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua trong cắt giảm thủ tục hành chính, nhưng với yêu cầu phát triển và hội nhập, với tinh thần kêu gọi “đại bàng về làm tổ” trong quá trình thu hút đầu tư không thể tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, “trói” doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mạnh tay cắt bỏ thủ tục hành chính làm khó người dân, doanh nghiệp. Việc cắt giảm phải thực chất, không phải là cắt giảm cơ học một vài giấy tờ, mà phải giảm chi phí tuân thủ đo đếm được có giá trị, và cả chi phí cơ hội.
Vẫn biết rằng, cắt bỏ thủ tục hành chính là một việc khó, bởi gắn với đó là lợi ích của mỗi bộ, ngành. Nhưng vì sự phát triển chung, vì cải thiện môi trường kinh doanh, rất cần các bộ, ngành phải cắt giảm thủ tục rườm rà, gây ách tắc theo quy định. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương nếu không thực hiện đúng yêu cầu cải cách, cố tình trì hoãn việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết vì lý do chủ quan.