Chúng ta đang thiếu một quy trình tổng thể
- Tại phiên thảo luận ở Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ngày 4.11, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về công tác phòng, chống thiên tai, trong đó đề xuất các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ông nghĩ sao về những đề xuất đó?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mà tôi từng có 10 năm làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (lúc đó gọi là Ban Chỉ đạo phòng, chống bão lũ Trung ương) khi còn làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã trực tiếp có những chỉ đạo rất sát sao, thường xuyên, liên tục khi bão, lũ xảy ra; đồng thời đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Dù vậy, tôi rất tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội khi cho rằng, đâu đó dường như chúng ta vẫn chưa thực sự chú trọng, làm tốt công tác phòng ngừa thiên tai.
- Vì sao ông lại đưa ra nhận định này?
- Trong phòng, chống thiên tai có 3 bước: thứ nhất là khâu chuẩn bị; thứ hai là ứng phó khi bão, lũ xảy ra; thứ ba là khắc phục hậu quả. Hiện, chúng ta mới làm tốt ở khâu thứ hai và thứ ba, trong khi khâu thứ nhất đóng vai trò quan trọng nhất thì chúng ta đang làm chưa tới.
Điều quan trọng nhất, tôi cho rằng, chúng ta đang thiếu một quy trình tổng thể ở tầm quốc gia về phòng, chống thiên tai. Thực tế, sau mỗi trận bão, lũ, sạt lở nghiêm trọng, chẳng hạn như sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có báo cáo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhưng dường như chúng ta mới làm theo sự vụ. Với cơn bão số 3, chắc chắn chúng ta cũng rút ra những bài học kinh nghiệm. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo để xây dựng một quy trình tổng thể về phòng, chống thiên tai gồm 3 bước với những nội dung rất cụ thể.
Chẳng hạn, ở khâu chuẩn bị, chúng ta xác định được rằng ở miền Bắc, mùa mưa bão sẽ từ tháng 5 và miền Nam sẽ từ tháng 7 hàng năm. Như vậy, chậm nhất là đầu tháng 5, khi trời yên biển lặng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải… tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các vùng xung yếu, vùng yếu thế như đất đồi trơ trọi, gần sông suối, có nhiều khả năng sạt lở để đánh giá nguy cơ và có phương án khắc phục, di dời. Còn tại khu vực miền núi, chính quyền các xã phải cử lực lượng đi kiểm tra tất cả các dòng suối trên cao xem dòng chảy có bị ứ lại bởi lá cây, thân cây… và phải khơi thông ngay, đây là kinh nghiệm từ thời chúng tôi đã làm. Không những thế, ngay khi Philippines có thông tin bão đổ bộ, chúng ta phải có các đoàn đi kiểm tra, đánh giá thực địa để lên phương án. Tính chủ động, phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa chính là thể hiện ở điều này!
Khi có quy trình tổng thể, với các bước cụ thể, các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, đồng thời phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thì chắc chắn chúng ta sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến rất bất thường, chúng ta cần phải làm sớm, làm nhanh quy trình này!
Cần coi đầu tư cho công trình phòng, chống thiên tai là cấp bách
- Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để bảo đảm sẵn sàng ứng phó tốt nhất khi tình huống thiên tai xảy ra. Ý kiến của ông thế nào?
- Đây là ý kiến rất xác đáng. Việt Nam có hệ thống các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong phát điện, cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công trình có tuổi thọ hàng chục năm nên việc bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, bởi nếu sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ vô cùng lớn. Do đó, việc rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống các hồ chứa là rất cấp thiết; phải coi việc đầu tư cho các công trình phòng chống thiên tai, trong đó có đầu tư cho an toàn hồ, đập là vấn đề cấp bách, để phân bổ vốn nhanh nhất có thể mà không phải theo quy trình phân bổ vốn ngân sách thông thường. Đó chính là sự đột phá, cải cách theo đúng tinh thần mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt ra.
- Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Tôi rất tán thành đề xuất này của các đại biểu. Thực tế, chúng ta đã có phương pháp lập bản đồ này, song hiện vẫn chưa có bản đồ. Tôi tham gia phản biện ở Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đánh giá dự án thủy điện, nếu yêu cầu có bản đồ ngập lụt thì các chủ đầu tư mới đi thuê chuyên gia để làm chứ Nhà nước chưa có bản đồ chung
Là đất nước thường xuyên chịu tác động của thiên tai, Việt Nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện bản đồ cảnh báo ngập lụt mang tính quốc gia. Muốn vậy, cần huy động đội ngũ chuyên gia giỏi ở các viện, trường cùng tham gia. Các địa phương là nơi nắm sát, nắm chắc tình hình nhất thì cần tập hợp dữ liệu để cung cấp cho các chuyên gia để xây dựng bản đồ. Khi có bản đồ cảnh báo cấp quốc gia, người dân sẽ biết nên lựa chọn xây dựng nhà ở khu vực nào và khi có sự cố xảy ra thì họ chạy đến vị trí nào để lánh nạn, như vậy hậu quả do thiên tai cũng sẽ giảm bớt rất nhiều!
- Xin cảm ơn ông!