Tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12 - 18 tuổi

Cấp thiết và phù hợp

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:34 - Chia sẻ
Chính phủ vừa ký kết mua về hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer và dự định tiêm trước cho thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi. Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đi quan trọng hướng tới việc bao phủ vaccine trong thời gian tới.
Hướng tới mục tiêu bao phủ vaccine Covid-19 cho toàn dân

Cần ưu tiên trẻ em trong vùng dịch

Một báo cáo gần đây cho thấy, tác động của việc nhiễm Covid-19 ở trẻ em có thể nghiêm trọng hơn mọi người vẫn thường nghĩ. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), bao gồm tình trạng viêm nhiều bộ phận trong cơ thể, được chẩn đoán là có liên quan tới Covid-19. Trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống, bị sốt, đau bụng có thể kèm phát ban hoặc viêm cơ tim hay một số triệu chứng khác như bất thường liên quan đến đường tiêu hóa, sốc và giảm lym phô bào…

Theo con số thống kê tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5.10.2021, có 2.249 trẻ em dưới 16 tuổi được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 và đang điều trị tại các bệnh viện trên tổng số 22.278 người đang điều trị, chiếm 10%, cao hơn so với giai đoạn đầu khi mới bùng dịch. Cùng với tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành tại thành phố đang tăng nhanh và việc mở cửa lại các hoạt động sản xuất và xã hội khác, chắc chắn tỷ lệ này cũng sẽ nhanh chóng tăng lên.

Theo Phó Ban biên tập Chuyên trang Covid-19, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Thảo, tuy hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em có khả năng chống Covid-19 cao hơn người lớn, triệu chứng khi lây nhiễm nhẹ hơn nhưng trẻ em lại bị động hơn và khả năng tự bảo vệ thấp hơn so với người lớn, đặc biệt là nhóm trẻ có bệnh nền. Đặc biệt, khi mắc thì trẻ nhỏ cũng có thể trở thành nguồn lây lan virus cho nhóm người có nguy cơ cao, nhất là với cách sống nhiều thế hệ cùng dưới một mái nhà của đa phần gia đình người Việt. Ngoài ra, khi người lớn quay lại làm việc và trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine cũng đồng nghĩa với việc các em có khả năng bị lây nhiễm rất cao từ các thành viên khác trong gia đình.

“Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ký kết mua về hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer và dự định tiêm trước cho thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi. Ở các tỉnh, vùng còn chưa lây nhiễm nhiều, tất nhiên đối tượng cần ưu tiên vaccine là người cao tuổi, bệnh nền và các nhóm đối tượng khác theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc ưu tiên phân phối vaccine cho trẻ em ở các vùng đang có dịch bệnh nhưng đang dần mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao là rất cấp thiết” - TS. Nguyễn Phương Thảo khuyến cáo.

Trên thế giới, một số quốc gia khác đã cho phép trẻ em được tiêm vaccine bất hoạt từ Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac), bao gồm Sri Lanka, Peru, Campuchia, Chi-lê, và tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Ở Thái Lan, công ty nhập khẩu vaccine Sinopharm hiện đang xin phép được giảm độ tuổi cho phép tiêm vaccine ở trẻ em xuống còn ít nhất 3 tuổi. Riêng Cuba sử dụng loại vaccine nội địa bào chế tên là Soberana-2 cho trẻ nhỏ từ 2 tuổi.

Có độ an toàn cao

Tính đến ngày 8.10, TP. Hồ Chí Minh đã tiêm chủng vượt mốc 12 triệu liều vaccine. Đáng chú ý, đã có khoảng 70% dân số tiêm đủ 2 mũi. Trong bối cảnh trẻ em dưới 18 tuổi phải học online và sắp tới đây, người dân kỳ vọng, TP. Hồ Chí Minh có thể mở cửa trường học trở lại khi thành phố đang bước vào giai đoạn bình thường mới, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi đưa trẻ nhỏ quay lại trường học, vì dù sao việc học trực tuyến không phù hợp và có nguy cơ ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các bé ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Việc tiêm phòng đầy đủ cũng giúp trẻ nhỏ tránh khỏi sự gián đoạn trong học tập, và tránh trường hợp phải tự cách ly kéo dài nếu lỡ có bạn học cùng được xét nghiệm mắc Covid-19.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của đa số người dân vẫn là độ an toàn của vaccine, những tác dụng phụ của vaccine lên trẻ sẽ diễn biến ra sao, cũng như liều lượng tiêm bao nhiêu là đủ?

Trả lời cho câu hỏi này TS. Nguyễn Phương Thảo đã đưa dẫn chứng, ở nghiên cứu trên Sinopharm thực hiện tại Trung Quốc vừa được công bố vào tháng 9.2021, với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 bao gồm 288 trẻ và giai đoạn 2 bao gồm 720 trẻ cho thấy vaccine kích hoạt miễn dịch và không gây các phản ứng nghiêm trọng ở 3 nhóm đối tượng trẻ em từ 3 - 17 tuổi. Các tiểu vương quốc Ả Rập vừa hoàn tất tuyển chọn 900 trẻ em ở độ tuổi 3 - 17 để đánh giá hiệu quả của vaccine Sinopharm.

Còn tại cuộc thử nghiệm của 2 vaccine mRNA từ Pfizer và Moderna cũng được cho thấy, hiệu quả hơn 90% và ít có triệu chứng gây hại ở đối tượng trẻ trên 12 tuổi. Tại cuộc thử nhiệm mới nhất của Pfizer với trẻ em 5 - 11 tuổi tại Mỹ, bác sĩ Robert Frenck tại Viện Nhi Cincinnati cho biết, các thử nghiệm cho thấy, những trẻ được tiêm liều 10 microgram đã sản sinh ra kháng thể mạnh chống virus, trong khi ở người lớn, liều 30 microgam là phù hợp.

Cũng theo bác sĩ Robert Frenck, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer rất an toàn đối với trẻ nhỏ. Phản ứng phụ ở trẻ em sau khi được tiêm vaccine xuất hiện tương tự như ở người lớn, hầu hết đều bị đau tại vết tiêm; một số cảm thấy đau đầu hoặc mệt mỏi. Trong các cuộc thử nghiệm, khoảng 10% trẻ em bị sốt hoặc ớn lạnh sau khi tiêm, cũng giống như phản ứng phụ ở nhiều loại vaccine khác. Tuy nhiên, các triệu chứng chỉ kéo dài 1 hoặc nhiều nhất là 2 ngày.

Thời điểm hiện tại, các loại vaccine được cho phép sử dụng ở trẻ em trên nhiều quốc gia bao gồm vaccine của Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sinovac. Thông qua các cuộc thử nghiệm, hiện vẫn chưa có thông tin nào đáng lo ngại về ảnh hưởng của các vaccine lên sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cần chú ý theo dõi kỹ biểu hiện phản ứng của trẻ và tránh cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực quá sức trong vòng 1 tuần sau khi tiêm.

Tùng Dương