Cấp bách "hồi sức" cho du lịch

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 06:45 - Chia sẻ
Du lịch chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng có thể là ngành phục hồi nhanh nhất, thậm chí bứt phá nếu có chính sách phù hợp, tạo thuận lợi trong trạng thái bình thường mới. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho du lịch Việt Nam có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực đang được đặt ra cấp bách.

Cần giải pháp chính sách kịp thời
Tại tọa đàm chuyên gia chuẩn bị cho Hội thảo Du lịch năm 2021 sáng 26.11 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Đánh giá sơ bộ đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành du lịch, với nhiều nhóm khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, điểm đến, mua sắm... đang đóng cửa, không có doanh thu. Các gói hỗ trợ vừa rồi của Chính phủ, gần đây nhất là giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đáng tiếc là du lịch chưa được hưởng vì không hoạt động; chỉ có nhóm hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ tương đối kịp thời. 

Cần có giải pháp phục hồi và phát triển du lịch
Nguồn: Dangcongsan.vn

Theo ông Hùng, việc phục hồi cấp bách hiện nay với các doanh nghiệp du lịch liên quan đến tài chính. Qua 18 tháng, doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ, để phục hồi, họ cần nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh, thu hút nhân lực quay trở lại hoặc tuyển mới, đào tạo. Tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn vay với du lịch hiện nay rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhân lực của ngành du lịch cơ bản chuyển sang các ngành nghề khác đến 80 - 90%. Khi phục hồi, chưa chắc số lượng này đã quay trở lại được 50%. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách về tiếp cận vốn; chính sách hỗ trợ thu hút nguồn lao động, kịp thời hỗ trợ đào tạo nguồn lao động mới.
Bên cạnh giải pháp chính sách về tài chính, thuế và nhân lực, tọa đàm tập trung thảo luận các giải pháp chính sách về truyền thông; về liên kết, hợp tác trong du lịch; giải pháp chính sách về công nghệ, chuyển đổi số... 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong bối cảnh mới, khi nước ta triển khai hiệu quả tiêm chủng vaccine, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chuẩn bị phục hồi du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất 6 nhóm giải pháp. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đang làm tốt việc bảo đảm an toàn điểm đến và an toàn cho khách du lịch; đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với bối cảnh mới; tăng cường truyền thông xúc tiến quảng bá; chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn tài chính, có điều kiện phục hồi, tạo sản phẩm mới; nguồn nhân lực bị đứt gãy cần tập hợp đào tạo và đào tạo lại, bảo đảm chất lượng. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Chương trình Phát triển du lịch Việt Nam 2021 - 2026, trong đó 2021 - 2023 là giai đoạn phục hồi du lịch...

Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, dự kiến vào cuối tháng 12. Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, Hội thảo sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Nghệ An; nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, Hội thảo sẽ được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp với trực tuyến.

Thích ứng, linh hoạt, tận dụng cơ hội
Với tinh thần vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, địa phương mong muốn mở cửa du lịch, đặc biệt là mở cửa du lịch quốc tế, có chuyến bay thẳng tới một số thị trường. Ông Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội cao, rất cần có sự thống nhất của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý chung hiệu quả, thống nhất, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi ngành có chính sách khác nhau, khó cho mở cửa du lịch trở lại...
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Mong muốn của ngành du lịch thì nhiều, nhưng cần tập trung phục hồi các hoạt động của ngành, thu hút khách du lịch. Nếu không có khách du lịch, những hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng chỉ được thời gian ngắn. Hiện nay, các địa phương rất cát cứ do tính chất phòng, chống dịch bệnh, chỉ xây dựng cái của địa phương mình, nhưng du lịch là ngành tổng hợp, cần sự liên kết vùng, địa phương, điểm đến, doanh nghiệp.
Biến chủng mới của Covid-19 vẫn đang rất phức tạp. Theo bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển du lịch bền vững, 10 năm nay, không chỉ ngành du lịch mà toàn thế giới bước sang thế kỷ mới với những biến động, với tần suất ngày càng tăng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... Bởi vậy, giải pháp cần thích ứng, linh hoạt.

“Sau Covid-19, chúng ta phải thay đổi rất nhiều bởi bối cảnh, thị trường thay đổi, sản phẩm du lịch, tâm sinh lý khách thay đổi... Covid-19 không phải là yếu tố duy nhất nên mô hình du lịch đòi hỏi tính thích ứng, linh hoạt rất cao” - bà Hạnh nói.
Ông Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần có chiến lược cụ thể, cấp thiết để phục hồi du lịch; đồng thời có tầm nhìn dài hơn, nhận diện bối cảnh mới, từ đó điều chỉnh và bổ sung chính sách, điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể du lịch, tạo điều kiện để ngành bứt phá trong thời gian tới.

Thảo Nguyên