Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Cấp bách - mà chưa kỹ!

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:36 - Chia sẻ
Khẳng định yêu cầu sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành là hết sức cấp bách, nhưng nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật chưa kỹ lưỡng. Trong đó, những vấn đề mới phát sinh về khám, chữa bệnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được đề cập tương xứng. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp gần nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Khẩn trương hoàn thiện để bảo đảm tiến độ

Là dự án Luật từng được rút ra khỏi Chương trình của Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV để Chính phủ và ngành y tế tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành tiếp tục là yêu cầu rất cấp bách trong định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trong Kết luận của Bộ Chính trị đã khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mới đây nhất, trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV tiếp tục yêu cầu Chính phủ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để kịp thời bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.  

Rõ ràng, yêu cầu sửa đổi là rất cấp bách, tuy nhiên không có nghĩa phải bổ sung dự án Luật bằng mọi giá. Thực tế, qua nghiên cứu hồ sơ và Báo cáo của Bộ Y tế chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, “tổng kết 11 năm thi hành Luật, nhưng nội dung chi tiết trong báo cáo mới thể hiện đến năm 2018, tức là Bộ Y tế cần làm rõ thời điểm đến các năm 2019, 2020, 2021". Về đánh giá tác động chính sách của dự án Luật (gồm 15 chính sách lớn, trong đó có 2 chính sách mới so với hồ sơ năm 2020), theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, là vẫn chưa bảo đảm tính toàn diện về nội dung, lĩnh vực, thời điểm báo cáo cũng như các mô hình thí điểm để tổng kết, đánh giá, nhất là thực tiễn công tác khám, chữa bệnh trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Là cơ quan chuyên trách của Quốc hội, phụ trách lĩnh vực y tế, đồng thời được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, một số chính sách mới được bổ sung trong dự án Luật nhưng chưa có sự tổng kết, đánh giá tác động, như vấn đề thiết bị y tế, tài chính cho cơ sở khám, chữa bệnh... Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến có 2 chính sách mới là khám, chữa bệnh từ xa và quy định về liên doanh, liên kết, cung cấp, thành lập cơ sở khám, chữa bệnh, hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của Nhà nước và giữa các cơ sở y tế của Nhà nước với cơ sở y tế tư nhân, nhưng đều chưa được đánh giá tác động. Ban soạn thảo chưa giải trình, lý giải cụ thể nguyên nhân và sự cần thiết của các chính sách mới phát sinh, để tạo sự minh bạch, rõ ràng trong thiết kế chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước những vấn đề đặt ra với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với Báo cáo thẩm tra và đề xuất của cơ quan thẩm tra là "chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội". Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 3.2022. Khi đó, nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022) đồng thời với việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tinh thần là phải rất khẩn trương, tập trung để bảo đảm được tiến độ nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Đi sâu vào các nội dung cụ thể của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, trong lần sửa đổi này phải làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. "Chúng ta chưa rõ ranh giới đâu là y tế dự phòng, đâu là khám, chữa bệnh theo Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám bệnh, chữa bệnh". Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, "chúng ta cứ nhằm lấy tiền bảo hiểm xã hội để khám, chữa bệnh, tầm soát ung thư, nhưng tầm soát chỉ khuyến khích xã hội hóa, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh để làm việc tầm soát của y tế dự phòng thì dứt khoát là trái luật. Y tế dự phòng chi bằng ngân sách nhà nước, còn khám, chữa bệnh là khái niệm khác. Trên thực tế chúng ta rất lẫn lộn, khi đi kiểm toán và giám sát việc này đôi lúc cũng dở khóc, dở cười vì chi mất rồi”.

Một vấn đề nữa liên quan đến quan điểm, mục tiêu xây dựng luật được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là "phải lấy người bệnh làm trung tâm" cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì rằng, người bệnh cũng là khách hàng, là thượng đế, là trung tâm. Do đó, thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ bằng cách huy động sự tham gia tích cực của các Hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh ở cả cơ sở y tế công và tư. Tập trung đẩy nhanh các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay đã ra đời loại hình khám, chữa bệnh mới, đó là khám, chữa bệnh từ xa. Vậy thì, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần có quy định cụ thể về loại hình khám, chữa bệnh này, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu. Tương tự, cũng trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta phải ban hành Nghị quyết, trong đó cho phép trong trường hợp khẩn cấp được thành lập bệnh viện dã chiến, đồng thời đây cũng là một loại "giấy phép kinh doanh" - vấn đề này chỉ có Nghị quyết số 30/2021/QH15 mới làm được! Vậy tới đây, vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Chỉ ra hàng loạt vấn đề thực tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá toàn bộ tác động của đại dịch Covid-19, từ đó có những quy định phù hợp trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Với khá nhiều vấn đề ngổn ngang đang đặt ra, thì để đưa ngay dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, thì về mặt hồ sơ dự án Luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết luận phiên họp về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động đến thời điểm hiện tại và báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu, để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp gần nhất. Nếu bảo đảm, thì quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ủng hộ việc sửa đổi xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong năm 2022.

Trong phiên họp sáng qua, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong hai dự án Luật được Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Trong khi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đáp ứng đủ điều kiện và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, thì dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa nhận được sự đồng thuận do hồ sơ chưa bảo đảm.

Với quyết đáp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa khẳng định quan điểm về việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật lập pháp, trong đó, dù cấp bách và cần thiết, nhưng yêu cầu về chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Anh Thảo