Định hình tương lai
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng?
- Sau Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xác định 4 điểm cần phải đột phá là thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.
Về kết cấu hạ tầng, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là ước mơ của người dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay. Hiện tại, diễn biến của dự án rất tích cực. Thủ tướng đã đồng ý giao cho tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, dài 67km. Theo khái toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư 16.000 - 19.000 tỷ đồng. Dự án đã được ghi vốn trung hạn 2.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương dự kiến 4.500 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xúc tiến thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành quốc gia. Nếu mọi việc diễn biến thuận lợi thì trong tháng 3 sẽ có chủ trương đầu tư dự án.
Điều hết sức quan trọng là để bảo đảm tính kết nối, phải tiếp tục làm đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương. Tương lai, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng sẽ thay đổi hoàn toàn khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài khoảng 200km hoàn thành, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay. Tuyến cao tốc cũng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 20.
- Ngoài nguồn lực ngân sách, tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị những gì cho dự án này?
- Chúng tôi dành rất nhiều công sức cho dự án này. Về phía UBND tỉnh, với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để dự án đi vào thực tiễn.
Trước mắt về công tác thông tin, dự án phải được Nhân dân đồng thuận, được tất cả sở, ngành địa phương xem là mục tiêu phấn đấu và là một trong những công trình trọng điểm của Lâm Đồng.
Thứ hai là phải tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Việc này liên quan đến điều kiện sản xuất và sinh kế của người dân, phải tiếp tục có bước tính toán kỹ lưỡng. Hộ dân bị ảnh hưởng chưa có con số cụ thể, về diện tích đất khoảng 450ha và tác động liên quan đến khoảng 100ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất và đất nông nghiệp, đất sản xuất nông lâm kết hợp.
Thứ ba, một số việc liên quan tới kỹ thuật, chúng tôi sẽ có trách nhiệm phối hợp rất chặt chẽ với nhà đầu tư, với các đơn vị tư vấn, thiết kế để đường cao tốc đạt được chất lượng cao nhất.
- Tỉnh có kế hoạch khai thác chênh lệch địa tô rất lớn khi tuyến cao tốc hình thành như thế nào để có thêm nguồn lực đầu tư cho dự án?
- Việc này lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tính toán và chúng tôi sẽ đền bù mang tính tầm nhìn. Tức là về lộ giới, toàn bộ hành lang đường bộ khoảng chừng 22m nhưng sẽ có những vị trí chúng tôi đền bù lớn để chỉ giải phóng 1 lần. Sau đó, trên cơ sở quỹ đất khai thác được, nếu nó là dự án thì sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư, nếu là đất sạch thì sẽ đấu giá đất. Chúng tôi nghĩ sẽ hồi vốn cho Nhà nước một số tiền khá tích cực.
Chúng tôi cũng quyết tâm không để thất thoát, rơi vãi, không để một tập thể, cá nhân hay nhóm nào tìm kiếm lợi ích riêng của mình trong đường cao tốc này. Đây là quyết tâm chính trị của cả tỉnh.
“Chúng tôi có niềm tin chiến lược!”
- Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có ý nghĩa như thế nào?
- Sở dĩ dự án tiến triển thuận lợi như vậy, tôi cho rằng có trách nhiệm rất lớn của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả. Chúng tôi đã tham quan tất cả những dự án và sản phẩm của tập đoàn này như đèo Cả, đèo Hải Vân, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh… Tức là chúng tôi thẩm định bằng người thật, việc thật.
Bên cạnh Tập đoàn Đèo Cả, có Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam miền Trung cũng là nhà đầu tư chiến lược.
Để chuẩn bị thu xếp vốn cho tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Ngân hàng Nam Á cũng đã chuẩn bị các điều kiện để phát hành trái phiếu dự án khoảng 5.000 tỷ đồng.
Về phía tỉnh rất tự tin có đầy đủ ngân sách thực hiện dự án. Chúng tôi đã cam kết với Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguyên tắc sử dụng vốn theo hướng: Đầu tiên sử dụng vốn của nhà đầu tư; sau đó tới phần ngân sách 4.500 tỷ đồng của địa phương; cuối cùng sẽ sử dụng 2.000 tỷ đồng ngân sách trung ương. Khi thu phí, nhà đầu tư sẽ thu trước trên cơ sở tỷ lệ tham gia góp vốn, tiếp đó tới ngân sách trung ương và địa phương.
- Cách sử dụng vốn như ông vừa nói sẽ tránh được tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”. Ngược lại cũng có thực tế một số địa phương sau khi dự án xong thì quay sang làm khó dễ nhà đầu tư, không thực hiện đúng như những cam kết chào mời ban đầu? Ông nghĩ sao?
- Ở đây, Lâm Đồng và nhà đầu tư có một niềm tin chiến lược. Tức là phải tin tưởng nhau thật sự, tạo điều kiện cho nhau thật sự. Về phía tỉnh cũng tạo một số điều kiện, ví dụ giải phóng quỹ đất 2 bên đường, khu công nghiệp, điểm công nghiệp, bất động sản, nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ theo kiểu có điều kiện, tức là những người tham gia với mình ngay từ về mặt trách nhiệm, quyền lợi anh sẽ hưởng theo tỷ lệ như vậy.
Giữa các nhà đầu tư với nhau, tôi cũng động viên họ tin tưởng nhau một cách tuyệt đối. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có năng lực thật sự, ví dụ như Tập đoàn Đèo Cả, về mặt chuyên môn, máy móc, nhân công, kinh nghiệm… Ngoài ra, những nhà đầu tư tham gia, thu xếp vốn như Hưng Thịnh, Nam miền Trung, Ngân hàng Nam Á chúng tôi đã có biên bản cam kết cách thức, phương pháp sử dụng.
- Xin cảm ơn ông!
Tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi được xây dựng có chiều dài 200,3km. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn (TP. Đà Lạt).
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 60km đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2 dài 66km tiếp nối từ huyện Tân Phú - TP. Bảo Lộc, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Giai đoạn 3 có chiều dài 73km, bắt đầu từ TP. Bảo Lộc đến huyện Đức Trọng, nối vào đường cao tốc Liên Khương - Prenn.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có quy mô nền đường rộng 22m với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, dải an toàn, dài phân cách. Giai đoạn một đến năm 2025, đầu tư nền đường rộng 13,5m với 2 làn xe, giai đoạn 2 sẽ mở rộng đường 22m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn một khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước và địa phương là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 9.908 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, mới đây, Ban quản lý dự án Thăng Long vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần 1: đoạn Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn I. Tuyến đường dài khoảng 59km, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 6.619 tỷ đồng, theo hình BOT. Việc đầu tư xây dựng dự án này trước mắt san sẻ lưu lượng ngày càng tăng cao, cũng như rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20; thu hút lưu lượng, từ đó làm tiền để thuận lợi để xây dựng các đoạn còn lại của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.